Thứ Ba, 20 tháng 11, 2007

Tinh yeu khong qua duong


"Đã lâu quá rồi. Hãy để chuyện ngày xưa là kỉ niệm. Mình sẽ là những người bạn tri kỉ của nhau, phải không anh". Em nói như vậy, rồi đưa tôi địa chỉ của mình.
Sau 8 năm, tình cờ tôi gặp lại em trong chuyến lấy tư liệu ở cơ sở cùng cơ quan.
Em là người đã cho tôi biết thế nào là tình yêu. Tôi quen em thật tình cờ. Bữa tiệc sinh nhật chị cùng cơ quan hôm ấy tàn lúc 22g. Còn sớm, nên tôi bị mấy người bạn làm cùng tổ lôi đi "giải khuây".
Chỉ 15 phút sau một cú điện thoại, em cùng hai cô gái khác đã có mặt tại điểm chúng tôi ngồi uống nước. Lúc ấy, trong mắt tôi, em là một cô gái có mái tóc đỏ hoe, mặt đầy son phấn, và không chút thiện cảm. Tôi không để ý mấy đến em.
Thật bất ngờ, không hiểu sao em có số và gọi điện cho tôi ngay đêm ấy. Em nói đang buồn và cần có người nói chuyện. Tôi đồng ý vì cũng tò mò muốn biết những người sống bằng "vốn tự có" thì như thế nào.
Kể từ hôm ấy, những lúc "rảnh rỗi" em đều gọi cho tôi. Điểm hẹn em chọn là Hồ Tây, em nói đó là nơi rất thơ mộng và là nơi tìm được con người thật của chính mình. Em kể về mình, về gia đình và cả những tủi nhục của cái nghề mình làm. Còn tôi, để thỏa mãn tính hiếu thắng của bản thân, nên luôn có mặt khi cần người tâm sự. Ngay cả khi đang làm việc hay đêm đã khuya, tôi cũng có thể đến uống nước và tán gẫu cùng em.
Ban đầu tôi nghĩ những gì em nói đều là lời giả dối, những bất hạnh em kể chỉ là chiêu thức, mánh khoé trong nghề. Nó chỉ có thể qua mắt người khác chứ sao gạt nổi tôi. Có lần tôi hỏi bao giờ thì bỏ nghề? Em cười tươi và nói khi có ai đó yêu mình chân thành...
Rồi chính sự chân thành của em đã làm tôi thay đổi. Thời gian dần làm tôi quen với những cuộc gặp gỡ kia. Tôi thấy nhớ nhung, rồi thấp thỏm khi không gọi được cho em. Tôi bối rối, lo lắng khi hay tin em bị ốm. Không gặp được em, nỗi nhớ cứ trào dâng lên trong lòng... Thế rồi hai cánh tay tôi xiết chặt thân hình nhỏ nhắn kia khi em nói yêu tôi.
Em mở một tiệm gội đầu gần nơi tôi sống. Bỏ qua tất cả, tôi và em đã có những ngày thật hạnh phúc.
Nhưng, chẳng hiểu sao chuyện lại đến tai mẹ tôi. Bà không cho phép tôi đến với em dù có thuyết phục thế nào. Còn em thì ra đi không một lời để lại sau buổi mẹ tôi tìm đến gặp.
8 năm trôi qua. Em giờ hạnh phúc bên chồng và hai con. Tôi cùng vợ con cũng ấm áp trong gia đình mình. Và kể từ hôm tình cờ gặp lại, chúng tôi đã trở thành bạn tri kỉ....
NGUYỄN HUY TUẤN, Đan Phượng, Hà Tây

Mot ngay mua xa


Kỷ niệm về anh còn đầy cả một trái tim của tôi, vậy mà anh đã đi xa mãi. Mùa mưa lại đến vậy mà tôi vẫn cứ một mình với những nỗi nhớ mang tên anh.
Ảnh minh họaTTO - Tôi quen anh lúc mới vào ĐH. Hồi ấy tôi để tóc và mặc đồ như con trai. Đúng nghĩa của từ "bụi bặm". Anh học trước tôi 2 khoá, là dân công nghệ, còn tôi lại lao vào nghề báo với sự ham thích của một con nhóc bướng bỉnh.
Lúc đầu, không ai nghĩ là anh sẽ thích tôi vì anh quá mẫu mực, lúc nào quần áo cũng xếp thẳng pli còn tôi thì ngượic lại với anh tất cả. Tôi cũng không biết vì sao anh lại thích một con bé như tôi. Tôi hay vòi quà, đòi anh chở đi ăn nhưng món anh không bao giờ thích như me, xoài, mực nướng… vậy mà anh vẫn đi. Anh còn cố gắng tỏ vẻ thích thú, tôi bật cười vì điều đó.
Ngày 20-10, anh nhờ tôi đi mua quà với anh, anh nói là mua cho bạn gái anh. Tôi cũng cố gắng chọn món quà thật hợp với ý… tôi. Tối 19-10, anh mang quà và hoa đến ký túc xá lúc…23g, anh nói tặng tôi. Tôi chỉ đơn giản nghĩ đấy là sự quan tâm của những người bạn với nhau, tôi nhận. Và rồi thật bất ngờ khi biết chính tôi chọn quà tặng tôi.
Những năm ĐH trôi qua nhẹ nhàng với những lần tôi cố lẩn tránh anh khi biết anh thích tôi. Bạn bè chọc, tôi mặc kệ vì với tôi mọi chuyện không là gì cả. Ngày ra trường, tôi kịp nhận ra hình như mình cũng đã thích anh. Nhưng tôi không biết làm sao để nói ra tình cảm của mình, tôi tự đánh lừa rằng đó chỉ là ảo giác.
Tháng 10, Huế mưa. Anh được giữ lại trường, còn tôi thì mải chạy ngược chạy xuôi lo việc. Cuộc sống cứ thế cuốn tôi đi cho đến một hôm anh đến nói anh về quê vì ở nhà nứt to, nước lũ tràn vô nhà. Đấy cũng là lần cuối cùng tôi gặp anh...
Tôi hay tin qua bạn bè rằng anh bị nước cuốn khi bơi ra giữa dòng cứu đứa trẻ bị nước cuốn. Trái tim tôi nghẹn thắt khi hay tin anh mất. Sau một tuần người ta mới tìm thấy anh. Ngày anh ra đi trời mưa tầm tã.
Đã 2 năm ngày 20-10 tôi tự mua hoa tặng mình và mua hoa cho cả anh. Ở phương xa ấy, chắc anh sẽ vui khi biết tôi tự quan tâm, chăm sóc cho mình hơn.
THANH HIỀN, Huế

Em muon giu cho minh mot uoc mo


Em và cô ấy học chung khoa kinh tế ĐHQG TP.HCM, lần đầu tiên em thấy cô ấy là tại khóa học quân sự của trường vào tháng sáu vừa rồi.
Kể từ hôm đó, ngày nào sau khi tan học, em cũng lặng lẽ theo sau cho tới khi cô ấy lên xe buýt, và chỉ ở đằng xa mà thôi.
Cô ấy có đôi mắt hiền, nụ cười nhẹ nhàng và là một người con gái thông minh (em nghĩ vậy). Giai đoạn đó, chúng em sắp thi cuối kỳ 2, nghĩ về cô ấy làm em cảm thấy quyết tâm hơn trong việc học. Tổng kết cuối kỳ 2 em được 7,9 thay vì 6,9 như học kỳ 1. Bây giờ, hằng ngày em vẫn lặng lẽ đứng từ xa ngắm cô ấy. Sở dĩ em không dám gần cô ấy vì ba lý do:
1. Em luôn cảm thấy không tự tin khi đứng trước mặt các bạn gái. (dù em cao 1,78m, cô ấy không cao lắm).
2. Em chỉ sợ khi biết rõ về cô ấy lại không còn cảm giác như bây giờ, em thích giữ cho mình một giấc mơ.
3. Em lo lắng những chuyện như thế này sẽ ảnh hưởng tới việc học của hai người - nhất là với cô ấy. Còn mình, em cũng không muốn dừng ở mức “SV khá”!
Em bối rối quá... (T.Đ.)
- Tư vấn của TS tâm lý học Huỳnh Văn Sơn:
Một chàng trai rất khỏe khoắn, một chàng trai rất mạnh mẽ... sao lại nhút nhát như thế chứ em? Đôi lúc trong cuộc sống chỉ cần một vấn đề mình suy nghĩ tiêu cực thì có thể làm tiêu tan năng lượng tích cực của mình đấy, em ạ! Em là một người đàn ông có khát vọng, em là một người đang rộn rã trái tim yêu - nếu cảm thấy rất cần để nói tiếng yêu, để yêu và được yêu thì tại sao lại từ chối?
Nếu muốn học tốt, tìm việc thật tốt và hình ảnh người đó chưa đủ sức hút cũng như chính mình chưa quyết, thì dừng lại là điều hợp lý. Lẽ đương nhiên nếu vừa học vừa yêu thì mọi chuyện vẫn có thể "chạy tốt" khi em đừng đắm, đừng say quá sớm.
Dừng lại hay tiến tới trong mối quan hệ này không chỉ phụ thuộc vào em mà còn phụ thuộc vào cô ấy nữa chứ? Nếu người ấy cũng yêu quí em, chắc chắn không thể không lên tiếng. Và biểu hiện dễ thương ấy có thể là một ánh mắt, một cái nhìn, một cử chỉ vụng về...
Nếu đã có thời gian và điều kiện quan tâm, tại sao không cố gắng tiếp tục quan tâm? Nếu có những cơ hội tiếp cận, tại sao lại không nỗ lực để dò xét? Việc chênh lệch về chiều cao cũng không phải là vấn đề để em và cô ấy mất tự tin hay tự tin hơn nếu như sự hòa hợp về tâm hồn diễn ra. Đó mới chính là yếu tố quan trọng chứ em?
Yêu hay không yêu, như đã nói, không hoàn toàn ảnh hưởng tiêu cực đến sự nỗ lực và cố gắng của bạn trong học tập, mà vấn đề quan trọng là yêu như thế nào? Khi cả hai người yêu nhau có mục tiêu, luôn nỗ lực để hoàn thành mục tiêu cuộc đời mình, luôn cố gắng hết sức để dựng xây mục tiêu chung, thì không có gì phải quá lo lắng.
Giữ cho mình cảm giác thích thích, mơ mơ tưởng tưởng cũng là điều khá hay, nhưng thật sự em đã cân nhắc và suy nghĩ để chọn lựa? Nếu quyết định như thế thì nên dừng ở mối quan hệ này. Nếu không muốn chọn con đường ấy và cảm giác ấy thì không có gì khác hơn là... tấn công khi đã làm chủ tình huống. Thành công sẽ đến với bạn nếu bạn có quyết tâm và ý chí. Thân!
TS HUỲNH VĂN SƠN

Loi thay am mai


Đây là bài viết về một câu chuyện có thật, về một thầy giáo mà tôi nhớ mãi. Giờ thầy đã ra đi vĩnh viễn. Nhân dịp 20-11, tôi xin gửi bài này đến quý báo, như một lời cảm ơn đến thầy và mong các thầy cô giáo khác sẽ phát huy vai trò tốt đẹp của sự nghiệp trồng người mà mình Hôm nay gọi về nhà, hỏi thăm gia đình, tôi thật ngạc nhiên khi người nghe điện thoại là đứa em trai đang học cấp ba. Tôi thấy hơi lạ, tại sao hôm nay nó không đi học nhỉ?
- Sao hôm nay em không đi học vậy?
Nó đáp:
- Hôm nay trường em được nghỉ để tiễn đưa thầy Đoàn Nam, anh ạ.
- Thầy Đoàn Nam dạy môn văn? – Tôi gặng hỏi.
- Dạ, đúng rồi đó anh!
Tôi như nín thở, trong lòng dâng lên một nỗi niềm thương tiếc vô bờ.
Gác máy rồi mà tôi vẫn không tin đó là sự thật, liền gọi cho đứa bạn thân. Nó ngập ngừng: - Thầy mất hôm chủ nhật... Giờ thì không phải là mơ ngủ nữa rồi. Thầy đã ra đi. Bao nhiêu ký ức của thời cấp ba ùa về một lúc, làm tôi thấy nhớ và buồn quá!
Thầy đã dìu dắt chúng em làm những bài văn đầu tiên của thời cấp ba, đã mang đến cho tụi em những buổi học văn không bao giờ chán, người đã thổi hồn vào những bài thơ, bài văn làm cho lời giảng của thầy khiến lũ học trò mê mẩn... Học với thầy, không có đứa nào còn ngại môn Văn, mà ngược lại, đứa nào cũng vui mỗi khi sắp đến tiết Văn, sắp gặp thầy Đoàn Nam...
Dáng thầy cao, gầy, giọng nói ấm áp và truyền cảm. Thầy, một giáo viên lâu năm trong ngành giáo, với niềm đam mê đứng lớp môn văn, có một giọng nói mang sức cuốn hút lạ kỳ, trầm bổng theo âm điệu của mỗi bài văn, bài thơ. Giờ còn đâu giọng nói ấy, còn đâu những buổi được nghe thầy hát, thầy ngâm thơ, có khi là những bài thơ do chính thầy cảm tác…
Nhớ những ngày ôn thi tốt nghiệp, giờ giải lao nào chúng em cũng tụ lại với nhau, trao đổi, cười đùa, lắm khi còn dám cả gan trêu chọc thầy cô nữa chứ. Có lần chúng em trêu thầy Hải và một cô giáo mới về. Hỏi tên cô thì thầy Hải không nói, hỏi cô thì cô ngại, má ửng hồng... Thầy đứng ngoài cười, chỉ tay về hướng Đông và ngân lên:
"Đông phương bạch sắc dĩ thành hồng"
Cả bọn chúng em được một dịp bất ngờ, cả nhóm cười, mà thầy Hải cũng không nhịn được cười, vừa cười vừa đỏ mặt.
Trong buổi liên hoan lớp cuối năm, thầy đã tặng cho chúng em những lời chúc thân thương nhất, trước khi chúng em bước vào một bước ngoặt lớn của cuộc đời, một bước ngoặt mà từ đó sẽ không có thầy bên cạnh để hàng tuần giảng văn cho chúng em nghe...
Những lần sau đó chúng em về vẫn đến thăm thầy. Cả nhóm đúng là quậy ghê luôn. Nhớ năm đầu tiên khi chúng em mới bước chân vào quãng đời sinh viên, kéo nhau qua nhà thầy, lúc nhà thầy chưa xây ấy, vui ghê, nào là nghe thầy đọc thơ, nào là nghe thầy nói chuyện vui, và trêu chúng em bằng những câu đùa mà ai cũng hải cười.
Thầy ơi, thầy còn nhớ cái con bé Lã Bất Lương và nhóc Lê Thanh Sang không thầy, cả nhóc ròm Ngọc Minh và con nhỏ Thạch Thảo nữa đó... Giờ thì chúng em đi học, đi làm, mỗi đứa một phương…
Thời gian trôi qua, nào ai có ngờ, trong một lần thầy đi khám bệnh tại TP.HCM, bác sĩ bảo thầy bị viêm dây thanh liệt, phải phẫu thuật. Sẽ chẳng có gì nếu đó là căn bệnh bình thường. Điều đáng nói ở đây là sau khi phẫu thuật, có thể thầy sẽ không thể nói được, có nghĩa là cũng không thể lên lớp được...
Tết vừa rồi chúng em sang nhà thầy, nhưng thầy đang ở bệnh viện. Khi thầy về nhà, thì những học trò cũ của thầy lại đã đi học xa.
Hè đến, em cùng mẹ đến thăm thầy. Thầy mệt nên nằm trong phòng. Em vào, cầm tay thầy một lúc. Bàn tay thầy đã gầy hơn xưa rất nhiều, mới ốm một thời gian ngắn mà sao thầy sút đi nhanh quá… Xoa bàn tay thầy mà em thấy lòng mình thắt lại... Thầy giơ tay ra hiệu bảo em ra ngoài phòng khách ngồi chơi. Thầy ơi, em biết chứ, biết thầy buồn nhiều. Vốn là một giáo viên dạy thơ, dạy văn, dùng lời nói để mang kiến thức đến cho bao thế hệ học sinh, vậy mà giờ muốn thốt lên lời lại không nói được, bảo ai lại không buồn...
Em tưởng rồi thầy sẽ lại vượt qua căn bệnh quái ác ấy, như bao lần thầy đã vượt qua gian khó của cuộc đời, nhưng nào ngờ thầy đã ra đi... Khi nghe tin thầy mất, em nghẹn lời không nói được.
Thầy ơi, mặc cho cuộc sống bôn ba, thầy vẫn một đời chèo đò đưa từng lớp học sinh qua bến bờ tri thức. Ngày lại ngày, thầy cặm cụi nắm vững tay chèo, chỉ sợ học sinh của mình lạc lối trên đường đời có lắm bão táp, chông gai. Cho đến một ngày, thầy đã ra đi…
Chúng em cầu chúc thầy một giấc ngủ bình yên, không ưu tư sầu muộn. Nếu có kiếp sau, xin cho chúng em lại được làm học trò của thầy, thầy nhé…
NGỌC MINHđã chọn...

Cham nhat ngay 21-11 phai khoi to vu an

TP.HCM - Ngày 19-11, Cơ quan điều tra Công an Q.10, TP.HCM đã chính thức tiếp nhận hồ sơ vụ bốn em học sinh bị các dân quân P.15, Q.10 đánh đập gây thương tích để điều tra, xử lý.
Thượng tá Võ Tương Lai, trưởng Công an Q.10, cho biết các điều tra viên đã tập trung lấy lời khai Huỳnh Tuấn Anh - nguyên chỉ huy phó BCHQS P.15, Q.10. Bước đầu ông Anh đã thừa nhận có việc còng tay, đánh đập các em học sinh. Trong khi đó, bốn đối tượng Lê Thái Quốc Trung, Võ Anh Hoàng, Lê Ngọc Tâm và Nguyễn Phước Thành tiếp tục bị cách ly và quản thúc tại BCHQS Q.10 để chờ lấy lời khai.
Chiều cùng ngày, thượng tá Võ Tương Lai đã trực tiếp chỉ đạo tăng cường điều tra viên, tập trung lấy lời khai, củng cố chứng cứ, chậm nhất đến ngày 21-11 phải khởi tố vụ án. Cơ quan điều tra cũng đang tiến hành các thủ tục tạm giữ súng và còng mà nhóm dân quân dùng khống chế, hỏi cung các em học sinh.
H.K.
>>
Diêm vương phán tội
>> Loại 4 dân quân ra khỏi lực lượng dân quân tự vệ
>> Không thể chấp nhận hành vi bạo lực với trẻ em
>> Chúng tôi lo lắng khi giao con em cho nhà trường
>> Bạo lực đối với trẻ em là tội ác!
>> Tạm đình chỉ 4 dân quân và chỉ huy phó
>> Vụ bốn HS bị đánh đập: Có thể giao công an xử lý

Quang ngai dot duoc chiec tau dai 76m


Đại úy Võ Văn Thơ, hải đội phó Hải đội II, Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi, cho biết ngày 17-11, Hải đội II đã vớt được một chiếc tàu nước ngoài (chưa rõ nguồn gốc) có chiều dài 76m, bề rộng 25m trôi dạt tự do trên biển cách cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu (Bình Sơn) 2 hải lý theo hướng đông.
Chiếc tàu đã được đưa vào neo đậu tại cảng Sa Kỳ. Hiện Hải đội II đang trực tiếp bảo quản chiếc tàu chờ cơ quan chức năng xuống xử lý. Chiếc tàu chưa được xác định trọng lượng, tuy nhiên các bộ phận máy móc của tàu vẫn còn mới nguyên.
Trong hai ngày qua có hàng ngàn người dân từ khắp nơi trong tỉnh đổ xô về cảng Sa Kỳ để xem chiếc tàu lớn này.
Mặt sàn tàu rộng 25m
Tàu được neo đậu tại cảng Sa Kỳ
VÕ MINH HUY

Da Nang: xin to chuc cuoc thi ban phao hoa quoc te

(Đà Nẵng) - UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin phép được tổ chức thi bắn pháo hoa quốc tế thường niên để tạo ra sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút khách đến với miền Trung.
Theo kế hoạch, ban đầu sẽ có năm quốc gia tham dự là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Việt Nam. Việc tổ chức thi bắn pháo hoa sẽ diễn ra vào các dịp lễ hội của TP như liên hoan văn hóa du lịch biển, lễ hội Gặp gỡ Bà Nà... và không trùng vào các ngày lễ kỷ niệm của TP cũng như quốc gia. Pháo hoa sẽ được bắn dọc hai bờ sông Hàn.
Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế đầu tiên tại Đà Nẵng sẽ được tổ chức trong dịp hè 2008.
Q.ĐÀN

Nghiem cam viet tuy tien tam giu nguoi

Theo qui định tại thông tư số 26 do Bộ Công an vừa ban hành, thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm. Trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 24 giờ.
Đối với người vi phạm qui chế biên giới hoặc vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn này có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 48 giờ. Việc kéo dài thời hạn tạm giữ chỉ được áp dụng trong trường hợp cần phải có thêm thời gian làm rõ lai lịch, thân nhân người vi phạm và những tình tiết quan trọng, phức tạp liên quan.
Trong mọi trường hợp, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính đều phải có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền. Nghiêm cấm việc tùy tiện tạm giữ người mà không có quyết định bằng văn bản.
Website Chính phủ

Quang ngai tam bien lam 5 hoc sinh bi mat tich.

(Quảng Ngãi) - Ông Võ Thám, phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết lúc 10 giờ sáng 20-11, sau khi đi thăm thầy cô giáo nhân Ngày nhà giáo VN, nhóm học sinh Trường THCS thị trấn Châu Ổ đã ra biển Khe Hai, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) để tắm biển.
Sóng to gió lớn đã cuốn số học sinh này ra xa bờ. Một học sinh lớp 12 Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề huyện Bình Sơn tên Phạm Tài Hoa và một người dân lao xuống cứu được ba học sinh đưa lên bờ. Hoa lại tiếp tục lao xuống nước nhưng bị sóng biển cuốn trôi mất tích cùng hai học sinh khác.
Cùng ngày, lúc 14g30 tại bãi biển Mỹ Khê, xã Tịnh Khê (Sơn Tịnh), hai học sinh lớp 8 Trường THCS Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi cũng bị sóng cuốn trôi mất tích khi đang tắm biển.
M.THU - TR.M

Tin bao tren bien dong!



Theo bản tin phát lúc 9g30 của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 7g ngày 21-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,6 độ Vĩ Bắc; 116,3 Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Nam Biển Đông.
>>
Áp thấp nhiệt đới có thể thành bão
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật trên cấp 8.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 7 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 22-11 vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,0 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200km.
Trong 24 đến 48 giờ tới bão số 6 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Đến 7g ngày 23-11 vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,4 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200km.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) có gió bão mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật trên cấp 8. Biển động rất mạnh.
Ngoài ra do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, vùng biển các tỉnh Trung bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh.
TRUNG TÂM DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN TRUNG ƯƠNG

Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2007

Chuyen sinh vien


Nga lên thành phố học đại học với ước mơ trở về phát triển quê hương mình bằng con đường du lịch. Trọ cùng phòng với Nga là Phương và Hoa, cả ba cùng là dân tỉnh nên cũng khá hiểu nhau. Phương học cùng lớp Nga, Hoa học khác lớp.
Nga và Phương là dân tỉnh nên ban đầu cảm thấy khó khăn khi hòa đồng với lớp. Thường cả hai chỉ lo vùi đầu vào sách vở, ít quan tâm đến các phong trào trong lớp. Ngoài giờ học Nga làm gia sư để kiếm tiền trang trải cho sinh hoạt.
Hoa là người thích mơ mộng, lại một thân một mình sống xa nhà nên cảm thấy thiếu thốn tình cảm. Để lấp đi khoảng trống đó, Hoa đồng ý quen Thành, sinh viên cùng trường. Chỉ sau một thời gian quen nhau, Hoa đồng ý cùng “góp gạo” sống chung với Thành, bất chấp lời khuyên can của Nga và Phương.
Hoa đi rồi thì Quỳnh dọn về cùng phòng của Nga và Phương. Ban đầu hai người hơi bất ngờ vì Quỳnh cũng là dân tỉnh nhưng gia đình thuộc loại khá giả, Quỳnh dư sức thuê một phòng đầy đủ tiện nghi cho mình hơn là chen vào căn phòng nhỏ này.
Kỳ thi học kỳ 2 gần kề, mọi người vùi đầu vào học ôn, còn những cậu ấm cô chiêu vẫn không màng đến chuyện học hành. Trong phòng thi, ngồi trước Nga là Hương, cũng là một dân ăn chơi, thường xuyên vắng mặt trong lớp. Bài làm của Hương chỉ có nửa trang giấy trắng nhưng khi có kết quả thi thì Hương lại được điểm 8. Nga cảm thấy khó hiểu.
Về phòng, Nga nói với Phương, Phương cũng cảm thấy bất bình. Hai người học ngày học đêm mà chỉ đạt điểm 8, còn bài của Hương như vậy cũng bằng điểm hai người thì quá vô lý. Hai người về hỏi điểm của Quỳnh, Quỳnh đạt điểm 6. Khi Phương đề cập đến điểm của Hương thì Quỳnh cũng thấy bất bình, quyết làm ra lẽ.
Quỳnh lân la làm quen với nhóm của Hương (cũng toàn là dân ăn chơi thứ thiệt). Hương nói cho Quỳnh bí quyết của mình là “tiền”. Hương đã đến nhà cô giáo xin nâng điểm bài thi cho mình, cả những bạn trong nhóm Hương cũng thế.
Quỳnh về nói lại cho Nga và Phương, hai người cũng cảm thấy bất bình nhưng đành chịu, vì họ có tiền biết làm gì hơn. Nhưng Quỳnh nhất quyết không bỏ qua vụ này, Quỳnh rủ Nga và Phương lên gặp thầy trưởng khoa để đề cập đến chuyện này, thầy bảo không có chứng cứ thì không làm được gì. Nga và Phương khuyên Quỳnh bỏ qua vụ này cho êm chuyện, sợ thầy cô khác biết được thì học kỳ sau cả ba lại bị đì. Quỳnh không nghe theo lời của hai bạn, một mình lên phòng thầy hiệu trưởng khuyến cáo. Thầy cảm thấy bất ngờ nhưng cũng hứa chuyện này không xảy ra lần nữa, các bài thi lần sau nhất định được rọc phách cẩn thận. Với lời hứa của thầy, Quỳnh vui vẻ ra về.
Các sinh viên thi rớt lần 1 biết được mánh lới của Hương nên định áp dụng cho lần 2, mong thầy cô vớt vát cho qua. Nhưng lần thi này dưới sự kiểm tra gắt gao của thầy hiệu trưởng, điểm thi được chấm công bằng. Nhiều sinh viên lười học phải học lại, bù cho những ngày đi ăn chơi của mình. Sau vụ này, Nga và Phương khâm phục Quỳnh sát đất.
Câu chuyện thứ hai
Qua học kỳ 3, Nga không làm gia sư nữa mà xin vào làm phục vụ cho một quán nhậu đêm vì ở quê nhà thất mùa, cha mẹ không đủ tiền gửi lên cho Nga đóng học phí. Ngày ngày Nga làm đến 23g mới về. Ngủ không đủ nên nhiều lúc Nga ngủ quên trên lớp học khiến việc học bị bê trễ.
Học kỳ này lớp học môn tiếp thị du lịch do thầy Quốc đảm trách. Thầy là người nóng nảy, thường xuyên quát nạt lớp, khiến nhiều sinh viên cảm thấy chán ghét môn học này nhưng không dám nói ra, vì học kỳ này nhà trường đề ra cách thức mới chấm điểm thi hết môn bằng cách lấy 40% điểm giữa kỳ và 60% điểm thi cuối kỳ. Trong 40% ấy bao gồm điểm chuyên cần, thuyết trình trước lớp và chuẩn bị bài tập. Vì thế bắt buộc sinh viên phải tham dự lớp thường xuyên, nhưng cũng vì đó sinh viên không dám làm phật lòng thầy cô.
Bề ngoài thầy Quốc nóng nảy hay la mắng sinh viên (thường là sinh viên nữ), nhưng đến tối thầy lại gọi điện thoại xin lỗi rồi dặn dò đủ thứ. Ban đầu ai cũng nghĩ rằng thầy tốt bụng, khẩu xà tâm phật, đến khi xảy ra chuyện của Phương mới vỡ lẽ ra.
Phương thuộc tuýp người hiền dịu lại khá dễ thương nên được thầy để ý đến. Phương cũng bị thầy la mắng vì tội không chú ý đến bài trong lớp. Thầy bảo sẽ không cho Phương điểm giữa kỳ làm Phương lo sợ vô cùng. Nghe các bạn trong lớp bảo thầy hiền, năn nỉ thầy sẽ bỏ qua, Phương gọi điện xin lỗi thầy, thầy hẹn Phương ra quán nước, nói chuyện đông chuyện tây rồi khoe khoang quen các thầy cô trưởng khoa trong trường, điểm số do thầy quyết định. Từ đó Phương không dám làm phật lòng thầy, chuyện gì cũng nghe răm rắp theo thầy.
Nga lo lắng cho tình hình học tập của mình ngày càng bị sa sút nhưng lại không thể từ bỏ công việc. Trong quán Nga có quen ông Long là khách quen của quán, thấy Nga siêng năng, xinh xắn ông có ý làm “ba nuôi” cho Nga. Ông hứa sẽ lo cho Nga ăn học, còn giúp Nga gửi tiền về lo cho gia đình. Những lời đề nghị của ông Long làm Nga phân vân.
Một hôm Phương nhận được tin nhắn của thầy Quốc rủ Phương đi Vũng Tàu chơi qua đêm, chỉ có hai thầy trò. Những lần trước thầy chỉ hẹn Phương đi coi phim hay vào quán cà phê trò chuyện. Nhưng lần này Phương cảm thấy lo sợ, không biết quyết định như thế nào. Nếu từ chối thì sợ thầy giận, còn nhận lời thì không biết điều gì xảy ra khi hai người qua đêm như vậy.
Thấy Phương lúc bần thần, lúc bồn chồn nên Quỳnh hỏi xem Phương gặp chuyện gì. Phương tâm sự với Quỳnh về tình hình của mình lúc này. Nghe xong Quỳnh cảm thấy vừa tức giận vừa thất vọng về thầy. Tuy không ưa thầy hay la mắng lớp, nhưng nghĩ kỹ thì đôi khi lời thầy nói cũng đúng. Nhưng bây giờ biết rõ bộ mặt trơ tráo của thầy thì Quỳnh cảm thấy giận. Quỳnh bảo Phương phải từ chối thẳng thừng, không để thầy xỏ mũi. Còn về điểm thi thì Quỳnh trấn an Phương vì bài thi sẽ được rọc phách theo như lời thầy hiệu trưởng, điểm giữa kỳ thầy phải tính theo những gì đã công bố trước lớp đầu học kỳ, nếu không sẽ kiện thầy. Nghe những lời dứt khoát của Quỳnh, Phương an tâm từ chối lời mời khiếm nhã của thầy.
Nga tâm sự với Phương về chuyện của mình và dặn không cho Quỳnh biết vì sợ Quỳnh sẽ ngăn cản quyết định của mình. Nga đã định sẽ nhận lời về sống chung với ông Long, như vậy sẽ không còn lo chuyện tiền nong, còn giúp được cha mẹ, yên tâm học hành. Phương nghe xong liền phản đối quyết định của Nga, nhưng Nga không nghe vì đang cần tiền. Về việc tiền nong, Phương cũng không giúp gì được cho Nga.
Lo cho Nga, Phương đánh bạo nói với Quỳnh, hi vọng Quỳnh có thể cho Nga một lời khuyên giống như rắc rối của Phương với thầy lần trước. Nghe Phương nói xong, Quỳnh tìm Nga mắng cho một trận vì suy nghĩ chưa chín chắn. Nga giận Phương và không chịu nghe lời khuyên của Quỳnh.
Quỳnh tìm đến quán của Nga đang làm việc. Thấy Nga đang ngồi với ông Long, Quỳnh cũng vào ngồi cùng phá đám. Quỳnh bảo rằng mình vừa đến gặp vợ ông Long và cho biết chuyện của Nga, dọa rằng vợ ông đang đi tìm ông. Nghe đến đây ông giận dữ chửi rủa Quỳnh và Nga rồi rời khỏi quán. Từ đó không thấy ông đến quán này nữa.
Nga nhận ra bộ mặt thật của ông Long nên nghe theo lời Quỳnh từ bỏ công việc ở quán nhậu phức tạp này. Quỳnh giới thiệu Nga với quản lý của một khách sạn cao cấp, xin cho Nga làm công việc lễ tân của khách sạn. Công việc nhẹ nhàng, môi trường làm việc hiện đại lại được thực tập tiếng Anh nên Nga nhận lời.
Cuối học kỳ, thầy Quốc công bố điểm giữa kỳ. Phương chỉ đạt 1 điểm làm Quỳnh cảm thấy bất bình. Quỳnh và Phương gặp thầy gặng hỏi, thầy bảo chấm theo thái độ học tập của từng sinh viên. Quỳnh và Phương không thể cãi lại thầy. Phương bảo Quỳnh bỏ qua chuyện này và chỉ cần cố gắng cũng có thể qua được bài kiểm thi cuối học kỳ. Nhưng Quỳnh nhất quyết làm sáng tỏ vụ này.
Quỳnh lên mạng của trường lập diễn đàn nói về chuyện các thầy thiếu thốn tình cảm, lợi dụng tình cảm của sinh viên. Không ngờ nhiều sinh viên trong trường cũng từng bị thầy lợi dụng đứng ra kể tội thầy. Không những thế Quỳnh kể vụ việc cho Nhân, ủy viên hội sinh viên của trường, nhờ Nhân lên tiếng giúp. Nhân mở cuộc họp với các chi hội xin ý kiến, các chi hội đồng lòng ủng hộ, quyết tâm không để chuyện này xảy trong trường.
Chuyện đến tai thầy hiệu trưởng, nghe đâu thầy mở cuộc họp kín kiểm điểm giáo viên trong trường. Tuy điểm của Phương không thể sửa lại nhưng mọi người cảm thấy vui vì chuyện này sẽ không xảy ra trong trường nữa, có lẽ thầy Quốc cũng được một bài học, không dám lợi dụng tình cảm của sinh viên nữa.
Câu chuyện thứ ba
Để kỷ niệm ngày thành lập trường, đoàn trường tổ chức cuộc thi “ý tưởng du lịch”. Sinh viên tham gia theo nhóm, đưa ra ý tưởng khả thi để phát triển ngành du lịch trong nước, bài đoạt giải sẽ được xét duyệt làm bài luận cuối khóa và đoạt học bổng của trường. Nga, Phương và Quỳnh quyết định tham gia cuộc thi này và rủ thêm Nhân.
Cả bốn cùng tổng hợp các ý kiến thu thập được rồi phân tích và kết luận “du lịch Việt Nam còn thiếu sự nhiệt tình” mà trong sự nhiệt tình nụ cười là quan trọng nhất. Cả nhóm quyết định chọn “Nụ cười du lịch” làm đề tài dự thi.
Vì đề tài của nhóm là “Nụ cười du lịch” nên khi lên thuyết trình mọi người phải cười thật tươi. Nhân, Phương, Quỳnh thì không thành vấn đề nhưng Nga đang lo lắng cho tình hình của cha mẹ nên khó mà cười khi thuyết trình. Cả ba phải liên tục khuyên nhủ, động viên, Nga mới dẹp chuyện riêng qua một bên để tập trung vào bài thuyết trình vì công sức của nhóm, vì cha mẹ đã cực khổ nuôi Nga ăn học đến nay. Cuối cùng bài thuyết trình của nhóm hoàn thành tốt đẹp.
Khi công bố giải thưởng cuộc thi, dự án của nhóm đoạt giải nhất. Nga bật khóc vì vui trong vòng tay của bạn bè.
Khi ra đến cổng trường mọi người gặp Hoa đang đứng tần ngần nhìn cổng trường đại học. Phương và Nga đến hỏi thăm mới biết Hoa đang mang thai phải bỏ học giữa chừng. Hoa quyết định về quê, lần này đến nhìn cánh cổng đại học lần cuối. Cô ân hận chỉ vì không suy xét kỹ vấn đề, tin tưởng những lời đường mật của Thành. Khi biết Hoa có mang, Thành bỏ đi mất, Hoa một mình không biết phải thế nào nên quyết định nghỉ học về quê sinh con, cầu xin cha mẹ tha thứ. Nga và Phương không biết làm gì để giúp Hoa, chỉ mong Hoa không từ bỏ giảng đường bởi con đường phía trước vẫn đang chờ đón Hoa. Hoa mỉm cười chào hai bạn và hứa sẽ quay lại giảng đường.
Khi về đến phòng trọ, Nga nhận được tin của bà chủ nhà trọ báo rằng cha mẹ của Nga đã di dời đến nơi an toàn để tránh bão, nhắn Nga không cần lo lắng về cha mẹ. Nga ôm Phương và Quỳnh khóc vì vui mừng cho cha mẹ. Tuy bão chưa dứt nhưng mọi người tin rằng sẽ vượt qua được mọi khó khăn.
DIỆP KỲ DUNG (TP.HCM

Yeu thuong khong bao gio la cu

Chẳng ai có thể ngờ, mình lại trở thành anh em. Lại là anh em tốt nữa chứ! Từ địa chỉ dưới bài viết nhỏ tham gia một diễn đàn trên báo, hàng chục lá thư kết bạn bay về. Hàng chục lá thư hồi âm bay đi. Phần nhiều đã “một đi không trở lại”. Riêng những cánh thư cùng một địa chỉ của em cứ ngày một nhiều thêm. Đơn giản, những người cùng hoàn cảnh dễ đồng cảm hơn.
Anh nghèo. Anh đã từng rất nhiều lần buồn khổ vì điều đó. Người ta nhìn vào anh như một kẻ bi quan nhất trên đời này. Nhưng có ai hiểu, anh đã từng phải giấu những giọt nước mắt khi nhìn cảnh ba má thao thức mỗi khi mùa học đến. Rồi cả những lúc anh phải chạy đi vay tiền nộp để được vào phòng thi. Quá nhiều nước mắt con trai đã đổ ra, nung nấu trong anh một khát khao: học. Anh đã nhận ra, chỉ có con đường ấy mới giúp mình thoát khỏi cái nghèo. Nhưng rồi anh đã chẳng làm được gì nhiều. Có lúc quá tuyệt vọng, anh sụp đổ. Nỗi buồn chồng chất. Khi gượng dậy, nhìn mình tụt lại phía sau, tưởng như không thể nào sống nổi nữa.
Em cũng nghèo. Em đã không ngần ngại thổ lộ ngay bức thư đầu. Anh không muốn một ai phải gặp hoàn cảnh này. Nhưng thấy được an ủi phần nào. Em không thi vào đại học, vì hoàn cảnh không cho phép theo đuổi được con đường ấy. Em khoác áo lính. Rời xa quê nhà, tình cờ em lại “đóng đô” ngay gần nhà anh. Gặp nhau, đúng vào lúc anh lại vướng vào nỗi chán chường thất nghiệp. Gian khó đã chẳng thể quật ngã nổi anh, dù đôi lúc đã bò lê dưới đất. Nhưng trong công việc, nhiều thứ gây ra cả nỗi nhục nữa. Anh đã cố gắng chịu đựng những nỗi nhục ấy. Như con giun bị xéo mãi, tất phải nổ tung, để rồi rơi vào tình cảnh này. Anh đùa, cái số anh lận đận. Em bảo, cùng lắm là bằng em. Anh cười mà xót cả lòng...
Anh không viết cái này để biện hộ cho những sai lầm, vấp ngã của mình, cũng không muốn tạo cho em một sự bi quan. Nhưng anh vẫn nói ra những điều đau buồn này, để em hiểu rằng, anh rất hạnh phúc khi có được một đứa bạn nhỏ như em. Có được một người hiểu mình, còn gì hạnh phúc hơn thế nữa, phải không?
Đất trời đang chuyển mình vào mùa mới. Nơi này trong veo gió nắng. Nơi kia giăng giăng mưa bão. Học sinh, sinh viên bước vào mùa thu nhặt kiến thức mới. Em, hẳn sẽ buồn khi nhìn bạn bè sánh bước cùng thu lên giảng đường. Nấc thang dẫn vào cánh cổng học vấn đã gãy ngay trước mũi chân em. Tương lai mập mờ. Nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục “chiến đấu” với cuộc sống này. Anh tin rằng, một ngày nào đó, em sẽ đứng trước mặt anh, bảo: Em đã tìm được cho mình một con đường sống thật sự có ý nghĩa. Và anh, cũng sẽ nói được với em một câu đầy tự hào như thế.
Hôm nay, dọn dẹp lại căn phòng, bắt gặp những cánh thư tay. Những cánh thư tưởng chừng lạc hậu, nhưng vẫn rất mới. Bởi chúng đã chở rất nhiều yêu thương. Tình yêu thương, có bao giờ là cũ, phải không?
NGUYỄN THẾ THỌ (Đà Nẵng

Duoi chan mua

Giờ đã chắc rằng em không trở lạiChiếc lá khô bất ổn với lời thề Tình khúc héo trên phím đàn nông nổi Vin dốc buồn, lặng lẽ một tôi đi.
Tôi như dòng sông giữa mùa gió chướng
Biển tình em đâu có rộng tay chờ
Tình vàng võ suốt đôi bờ mộng tưởng
Nên gối đời heo hút lạnh cơn mơ.
Em đừng trách: "bởi tại mùa khắc nghiệt
Một vòng tay không đủ ấm đêm dài"
Môi em đặt giữa môi tôi mỏi mệt
Mắt em nhìn chia mê đắm cho ai.
Nằm nghe gió thở dài cơn tiếc nuối
Cánh hoa khô úp mặt dưới chân mùa
Em đã xa...
Kỷ niệm nào níu lại?
Tôi ngậm buồn như viên sỏi ngu ngơ.
PHẠM THÁI HÒA (ĐHSP Huế

Dep trai - toc bim


Hắn vẫn cười. Trời ơi, tui muốn bẻ hết cái hàm răng trắng như... làn da tui vậy! Tức quá nè! Mà mấy đứa con gái kia nữa, hắn nói chuyện dở ẹc có chi mà cười dữ rứa. Ta phải tàn phá “nhan sắc” của hắn cho bõ tức. Nhưng vậy thì… tiếc hùi hụi, hắn đẹp trai quá mà...
oOo
Tui gọi hắn là Châu Du Gian (gian trong chữ ăn gian ấy). Thật ra thì hắn cũng chẳng xử tệ với ai bao giờ, chỉ đơn giản là tui thấy ghét hắn nên gọi vậy cho hắn tức chơi. Tội nghiệp... tui vì hắn không tức mà lúc nào nghe tui gọi vậy hắn lại nhe hàm răng “bắp luộc” ra cười.
Giới thiệu cây bút trẻ

Nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò. Nhiều bạn đã viết về những trò đùa nghịch của học sinh sinh viên, nhưng người đọc không cười được vì thiếu giọng văn dí dỏm. Giống như cùng một câu chuyện cười, có người kể người nghe ôm bụng cười; có người kể người nghe che miệng ngáp.
Đó là hiệu quả của mỗi cách kể chuyện. Viết truyện tếu để bạn đọc cười, khó hơn viết truyện để bạn đọc khóc. Bởi người ta có đến hai con mắt để khóc mà chỉ có một cái miệng để cười. Nguyễn Anh Dân đã viết truyện khiến bạn đọc cười. Mong Dân sẽ tiếp tục viết được những nụ cười ý nhị hơn.
ATHắn đẹp trai. Điều ấy thì bất cứ đứa con gái nào trong lớp cũng xác nhận. Chỉ có tui là mãi đến năm thứ 2 mới nhận ra điều đó. Tui không để ý đến hắn cho tới cái hôm hắn đến ngồi lên bàn tui trong giờ ra chơi.
- Tui chưa thấy bà cười bao giờ.
- Điều đó làm ông quan tâm hả? Lãng nhách! Tui chỉ cười với... ông nội tui thôi!
- Vậy tui cũng muốn làm ông nội bà.
- Đơn giản lắm. Ông nội tui hay đọc thơ cho tui nghe... Mà nói chuyện đó với ông làm chi nhỉ? Ông lặn đi cho nước nó trong được không?
- Hừ, con gái chi mà ương ngạnh rứa? Rồi, tóc bím ạ... Hãy đợi đấy!
Hắn nháy mắt tinh nghịch làm tui suýt... rụng tim. Hồi lớp 10, thằng bạn ngồi bên cũng chỉ vì nháy mắt như rứa mà tui cho hắn... bầm mắt. Từ dạo đó má tui bắt tui nghỉ học võ, nên bây giờ mới có được chút “nhu mì”. Có lẽ Châu Du Gian là người may mắn...
oOo
Hắn định làm ông nội tui thiệt. Trời mưa. Lớp trưởng vào nghiêm mặt:
- Thầy ốm không thể...
Tiếng hét “hưởng ứng” của cả lớp át cả tiếng mưa làm nhỏ lớp trưởng chỉ biết lắc đầu.
- Tiết này lớp sinh hoạt văn nghệ tự quản nha.
Hắn đứng lên nói lớn. Mấy đứa con gái ủng hộ ngay, “fan” của hắn mà. Hừ đáng ghét. Thôi mặc kệ bọn hắn, mình tranh thủ ngủ một giấc để tối nay lấy sức... ngủ tiếp.
- Tui xin đọc một bài thơ.
Tiếng hắn lại vang lên. Rồi chẳng đợi mọi người có đồng ý hay không hắn bắt đầu ngay bằng cái giọng cà tưng như đĩa xước của mình:
Này tóc bím dễ thương à
Tui làm ông nội của bà đó nghen
Trước lạ rồi sau sẽ quen
Bà cho ông nội “kết duyên” nghen bà!
Cả lớp chẳng đứa nào hiểu chi sất cũng vỗ tay rào rào coi như... an ủi. Đó mà gọi là thơ hả? Hứ, nhà ngươi chỉ giỏi ném đá vào nghệ thuật. Phá cả giấc ngủ của ta. Ơ, mà sao hắn cứ nhìn mình thế nhỉ? Lại còn cười với mình nữa chứ? Nóng mặt quá! Nóng quá! Tự dưng thấy muốn cho hắn… bầm mắt!
oOo
Hội trại năm đó hắn cùng vài “mụn” Adam lớp tui hì hục với mớ tre nứa, dụng cụ... Lớp văn nên con trai “hiếm muộn” lắm, nhìn lớp toán mà thèm!
Đấu tranh mãi tui mới lò dò lên trường để xem bọn hắn có làm nên cơm cháo chi không. Thấy những giọt mồ hôi lăn đầy trên má hắn mà... thương. Nắng chi mà nắng dữ rứa hè...
- Nè, bà tìm giúp tui cái kiềm được không?
- Bộ mắt sinh ra để trưng hay răng mà không tự kiếm?
- Bà không biết mắt tui đang bận ngắm bà à?
Tui “hứ” một tiếng rõ dài rồi quay ngoắt 3600... nhìn hắn lần nữa rồi đi thẳng mà vẫn không giấu được cái mặt đỏ bừng như gà chọi của mình.
oOo
Lụt.
Sinh viên ở thành phố này coi nó như cơm bữa. Năm nào chả bị vài lần. Ngó phòng mấy đứa bên cạnh “tản cư” đi “lánh nạn” hết mà thấy buồn. Phòng tui nước ngập đến sát giường nhưng tui kệ. Má tui vẫn bảo tui cứng đầu. “Sống chung với lũ” là nguyên tắc của tui.
Ngồi trên bàn học ngó ra cửa sổ thấy nước không là nước. Hai hôm rồi chỉ mì tôm không thấy cũng ngán nhưng vui. Kìa... Thằng cha nào như hắn thế nhỉ? Tui có nằm mơ không, hắn đang bì bõm trong nước đi về phía tui với thân hình khỏa thân... đến rốn. Cha mẹ ơi, tui nợ nần chi hắn đâu mà hắn lặn lội đến đây?
- Nè tặng bà đó...
Hắn đưa ra một bông hồng đẹp hết chỗ khen.
- Nhân dịp tui sắp bị lũ cuốn hả?
- Đồ khùng. Nhân dịp sinh nhật bà, tóc bím dễ thương của tui...
Hai chữ “của tui” tui nghe rõ mồn một. Ta “gả bán” cho nhà ngươi hồi nào mà dám sở hữu tùm lum vậy hả? Ủa, hôm nay sinh nhật mình hả? Sao mình quên béng đi vậy cà? Ừ, chắc tại đi học xa nhà không có má nhắc nên quên...
- Còn cái này nữa...
- Chi vậy?
- Bánh kem. Sinh nhật phải có bánh kem chứ.
Tui “hí hửng” mở ngay, món khoái khẩu mà.
- Ông gọi cái này là bánh kem hả?
- Chi nữa, kem ghép lại với nhau... gọi là bánh kem. Bà bảo, lụt như ri có hàng bánh mô mở?
Ừ ha. Hắn kiếm được kem và hoa vào lúc này cũng là giỏi rồi. Tui với hắn ngồi trên bàn nhâm nhi cái thứ mà hắn gọi là bánh kem. Hắn đọc cho tui nghe vài thứ nữa mà hắn gọi là “thơ”. Mấy ông Xuân Diệu với Hàn Mặc Tử mà còn sống thì chắc phải bóp cổ cho hắn lè lưỡi!
oOo
Nước rút. Lại đi học. Cầm gói khoai gieo bữa trước để dành định mang lên “bù đắp” cho hắn vì “nghĩa cử” hôm rồi. Lên đến lớp thấy hắn đang nói cười với mấy đứa con gái vây quanh. Hắn nháy mắt với tui. Hắn vẫn cười. Trời ơi, tui muốn bẻ hết cái hàm răng trắng như... làn da tui vậy! Tức quá nè! Mà mấy đứa con gái kia nữa, hắn nói chuyện dở ẹc có chi mà cười dữ rứa. Ta phải tàn phá “nhan sắc” của hắn cho bõ tức. Nhưng vậy thì... tiếc hùi hụi, hắn đẹp trai quá mà!
NGUYỄN ANH DÂN

Thuong ve lang gio


Tôi đã rời làng vào mùa gió. Năm ấy, gió lại về sớm hơn.
Ngày đầu, ngoài vườn mới xào xạc những tán lá và vung vãi cả hoa cau nhưng hôm sau gió cuồn cuộn đổ về, ào ạt thổi đến, tràn qua, kéo vào hẻm núi rồi thốc ngược trở lại. Làng vật vã, từng căn nhà mái ngói xám xịt hay mái tranh được bao bọc lũy tre đan xen thành bức tường chắn gió đang nghiêng ngả, nghiến rít. Sân rơi đầy lá rụng và những con đường đất quanh làng bắt đầu khô cong, rũ bụi cùng những dáng người lom khom ngược gió.
Đêm trước ngày đi, tiếng cha nhỏ giọng trong ánh đèn vừa phụt tắt lẫn tiếng gió đập vào phên cửa đều đều: “Gió về sớm, lúa chưa kịp gặt, đồng làng chắc vào vụ trễ...”. Trong đêm đen, đóm lửa lập lòe từ đầu thuốc chao đảo bởi cánh võng và bởi cả tiếng thở dài. Gió vẫn đổ vào hẻm núi rồi thốc ngược trở lại...
Quê tôi trong một cái eo của miền Trung dằng dặc. Một góc eo nhỏ nhoi là làng Gió. Nó xuất hiện trong thi ca, nó đi vào lịch sử, nhắc thì nhớ cái gió của Tuy Hòa... Bên kia dãy núi là Tu Bông, bên này là Đá Bia để gió về chia đều hai dãy núi cho hai vùng. Tôi đi, chưa về để mẹ lên thăm thấy tôi và hai đứa bạn đang hì hục viết bài cho tòa soạn, người ướt đẫm mồ hôi trong căn phòng 18m2 với hai chiếc quạt bắt chéo đang quay vùn vụt tạo gió. Bà cười: “Tụi bây về dưới tao, mát phải biết...”.
Thằng bạn nhe răng: “Xa quá mẹ ơi, đến hơn ngày đường”. Bà quay nhìn tôi, một lúc nói khẽ: “Con độ này mập ra, phố nuôi tốt hơn ở làng...”. Tôi nín lặng, nhẩn nha nhai khoai mẹ dỡ từ bao cói bạc thếch đất làng đỏ quạch. Ngòn ngọt, bùi bùi xen cùng miếng gừng cay nồng đến ứa nước mắt. Tóc mẹ bạc quá nửa, năm năm tôi xa quê. Quê nhà đã thay đổi được gì, cái làng Gió với gió ngút ngàn ấy.
Một lần, tôi gặp đứa bạn đang ngơ ngác giữa lòng thành phố ồn ào, cả hai vào quán nước và nghe nó kể, làng đã thay đổi có đập chắn nước đến cổng tam quan, ngôi miếu Thành hoàng với hai con chó đá mốc thếch theo thời gian đã được tu sửa; văn minh phố đã về với làng tôi vì có bụi khói honda trong nhạc xập xình cùng hàng quán. Làng không thể eo nghèo mãi mà đi lên dù tiến chậm, nhưng đỡ cơ cực nhọc nhằn, đỡ phải nghĩ xa xôi là mong gió hãy quét làng đi mà xây làng mới như những ngôi làng mà tôi đã từng đi qua, nó đẹp trong giàu có, tiếng cười của người làng sảng khoái vì đã bắt nhịp với đô thị tràn về làng quê.
Đêm. Mẹ ở lại. Ngoài đường đã im lắng. Tạm qua sự xô bồ náo nhiệt thì gần như ngày mới bắt đầu. Tôi buông bút, vươn vai định nhoài người ra giường thì mẹ sát cạnh: “Mẹ không ngủ được, xa nhà...”. Ừ, phải - khi xa nhà, những ngày đầu tôi không ngủ nổi. Quê tôi là làng Gió mà - gió tứ mùa chuyển dịch, gió chuyên cần, phóng túng, gió ào ạt đi ngang đi dọc. Gió hè thổi dữ dội đầy hào phóng đến khắc nghiệt, đến ram ráp, nóng rực. Gió xuân thì lào thào khô hanh. Gió thu tạt qua bờ tre trong tiếng ầu ơ kẽo kẹt võng đưa bóng xế đổ dài. Còn gió mùa đông bắc mang cả màn mưa bụi và cái lạnh cắt da thịt bao phủ đồi núi lẫn mây mù. Gió đã làm tôi bíu sừng trâu để khỏi ngã thuở bé, nó đã cho tôi co ro trong áo tơi lá và ngâm mình đến tím tái dưới đồng sâu tìm bắt từng con rô, con sặc và cũng chính nó ru tôi thành trai làng mà ra phố thị.
Mẹ vuốt tóc tôi nhè nhẹ như lúc lên mười bị cha đánh đòn nên dúi vào đống rơm khóc tức tưởi chờ mẹ đi chợ làng bên trở về. Bên ngoài đã có tiếng xe vào chợ sớm. Tiếng mẹ ngắt quãng buồn buồn: “Thằng Thìn chết rồi, nó đào phế liệu rồi cưa trái đạn bị nổ. Con Nga sắp lấy chồng, thằng Bá bỏ xứ đi biệt, thằng Cò sắp có đứa con thứ hai...”. Những đứa bạn thiếu thời chăn trâu, câu cá, đi học trường làng, quần áo bạc thếch, khuôn mặt đen gầy vì nắng gió, cơm chỉ ăn no buổi chiều, tối ê a đọc vần dưới ánh đèn tù mù mà ráp chữ, miệng ngáp vắn ngáp dài lại lăn ra ngủ trên phản gỗ đến mờ sáng; lại tất tả lùa bò, thả vịt, lấy củi.
Vòng quay của công việc và cuộc sống, của thời gian trôi qua khiến con người vụt lớn. Nhà Nga sẽ treo bảng vu qui bọc lá dừa và chữ song hỉ bằng bẹ thiên tuế bao bọc những cụm hoa dủ dẻ vàng, cô dâu chân bước lên bùn lầy mùa nước, người tựa vào vai chú rể, đằng sau bọn nhỏ áo cánh, quần cộc, chân trần vỗ tay hò reo. Họ có mái ấm, có con, lao động giữa mùa nắng cháy da và gió mùa đông bắc buôn buốt. Nhưng hạnh phúc đó là một ngọn lửa, ngọn lửa vùng gió, dù gió thổi ngang, chạy dọc sôi rít reo réo, dù mưa dài tạo bao triều cường đổ về bờ sông bên lở bên bồi, dù trôi cả quãng đồi sau làng.
Mẹ nắm tay, lắc nhẹ: “Hiền chờ con, nhưng con gái có thì...”. Tôi khẽ gật đầu. Hiền học cùng tôi đến cấp II rồi nghỉ. Chuyện thường của làng Gió. Ngày tôi rủ em sang trường mới em đã khóc, còn tôi lầm lũi băng đồng một mình.
Những người bạn khác như Thìn, Sáu cũng ở bên này con mương váng đục và đặt trên vai chiếc cày để ra đồng. Tôi đi khi trời mờ sáng, trở về lúc trời chập tối. Hiền đã chờ những buổi học cuối tuần, em đón tôi từ xa tận cây đa già buông rễ. Em lao đến trong gió lộng thổi với thân thể phô căng từng đường nét bởi gió. Tôi nhìn ngơ ngẩn để em thèn thẹn quay đi. Tôi vuốt tóc em như nội từng ầu ơ trên cánh võng mỗi mùa gió thu để nhận ra rằng tóc em cũng đón gió và nhận cả mây chiều lặng lặng trôi.
Tôi chưa có niềm vui nào kể từ khi lên phố bằng niềm vui được ở bên Hiền những ngày nơi làng Gió, cho dù vùng đất sau mùa lũ còn trơ cát trắng đến não lòng. Chưa có thứ nào ngọt bằng những trái bắp ven soi mà em nướng vội để tôi cầm đi học khi gió đồng xa thổi về rào rạt. Chưa có vật nào ấm nóng bằng củ khoai em vùi trong tro bếp để đưa tôi lúc trở về qua cánh đồng làng hun hút gió lạnh. Cũng chưa có nụ cười nào đẹp đến phô cả lợi của nội khi thấy tôi và Hiền tranh nhau soi đầu nơi giếng nước, và cũng chưa có đôi mắt nào thăm thẳm của Hiền như ráng chiều sẫm màu phía triền dốc đá mỗi khi hạ về.
Em vẫn đón và chia tay lần cuối dịp lên đồi gánh củi chuẩn bị cho đợt gió mùa đông bắc. Những quả đồi nhấp nhô có những trảng sim trải dài cây nọ cách quãng cây kia với những cành lá vươn ra phủ lấy nhau và đan xen như một tấm thảm. Từng đợt gió ào ạt hanh khô thổi đến xuống tận chân đồi, cả tấm thảm tím hoa sim rùng rùng chuyển động trong gió. Tôi đứng cùng em trong màu tím sẫm của núi đồi cô quạnh, trong hoang sơ cây cỏ và trong cả đôi mắt rưng rưng, buồn buồn để tôi rời làng.
Mẹ buồn khi tôi không về làng Gió. Nhưng mẹ đâu biết rằng tôi vẫn nhớ quê, nhớ vùng đất của gió. Cuộc sống đất phố cũng lắm nghiệt ngã, chén cơm bụi để lên giảng đường mong giảm được đồng tiền chắt chiu của mẹ là một sự khó nhọc của sinh viên gốc rạ. Thư cha gửi lên câu chữ nhọc nhằn: “... điện bắt dìa làng, dẫn dìa nhà ta dui lắm, nhưng dó làm chổng gộng, đội bắt đóng tiền, quê mình chưa có cúm gà, con mà dìa sẽ được ăn căng bụng khỏi thèm như trước...”.
Sao không hư được, đồng sâu mùa nước, cột điện ngõ phố đâu chịu gốc quê chưa kể gió chướng phăng phăng, cuồn cuộn đất trời, chưa kể đất làng bùn lầy nhão nhợt đầy dấu chân trâu, gập ghềnh cộ bò.
Nhưng điện về, dù gì làng Gió cũng sáng hơn, nụ cười dân làng sẽ tươi hơn, bạn tôi sẽ vui hơn, cả Hiền cũng vậy, ước ao khi còn nhỏ được xem những hình ảnh trên vô tuyến và những làn điệu dân ca ba miền đã thành hiện thực cho dù không có tôi ở cạnh, cho dù chồng em là một người làng Gió, con em cũng sinh ra nơi ấy và chiều chiều bên mâm cơm sẽ có đủ mọi người trong tiếng cười nói ríu rít chen trong gió luồn khung cửa. Đó là một hạnh phúc, hạnh phúc của cái làng quê dằng dặc xa vời.
Mẹ không cho tiễn ra ga vì buồn khi lẳng lặng thu xếp gói trầu, bao cói vào trong giỏ tre. Tôi hứa mẹ sẽ về sau khóa học như vẫn thầm nhủ trước đây cho dù trở lên đất phố, cho dù Hiền đã lấy chồng, cho dù tới một ngày nào đó tôi hoàn toàn quên đi ngõ quê đầy dấu chân trâu, vương vãi rơm rạ, đỏ hoa dâm bụt dưới bóng cau già.
Quên hẳn tiếng gà gáy buồn buồn buổi trưa, tiếng nghé ban chiều xôn xao khói lam bảng lảng và quên về cái eo miền Trung dằng dặc với góc nhỏ nhoi là làng Gió, vùng đất của gió thênh thang, miệt mài chuyển dịch tứ mùa của gió Nam non, Nam mái, Nam cồ. Nó xuất hiện trong thi ca, nó đi vào lịch sử, nhắc thì nhớ và cho dù cái làng Gió nhỏ nhoi ấy sẽ đi lên từng bước một như những đôi chân trần bám bùn lầy để bước đến bờ đất khô ráo thênh thang.
Mờ sáng mẹ đi, hàng cây tuôn lá ào ạt, dáng mẹ nhỏ nhoi, gầy cong như một dấu hỏi, dấu hỏi cho tôi, cho người đi xa có nhớ về vùng đất của gió, ngõ quê mùa này đã không còn dấu chân một người ra phố, ở phố.
HUỲNH THẠCH THẢO (Tuy Hòa

The moi la bong da: Viet Nam 0 : 4 Nhat


- Lượt đi trên sân khách chỉ thua 0-1. Lượt về trên sân nhà (Mỹ Đình) vào tối 17-11 lại thua đến bốn bàn trắng. Thế nhưng, coi trận thua 0-4 thấy sướng hơn hẳn...
Trong cuộc đời, những tay thành công bằng cách ky bo, trùm sò chẳng được mấy ai ưa và nể. Thế thì bóng đá, một trò chơi đem lại sự vui thú cho con người, việc gì phải ky bo. Người ta đến sân, ngồi trước màn ảnh nhỏ là mong được xem những màn trình diễn bằng tất cả tài nghệ và sức lực của cầu thủ chứ không phải trông mong những trận thắng trước các đối thủ thật yếu và những trận hòa không bàn thắng trước các đội mạnh hơn!
Tâm lý đó lại càng mãnh liệt trong lòng người Việt mê bóng đá. Chẳng thế mà dân ta chỉ thích Brazil, Pháp, Anh đá hừng hực, thậm ghét cái kiểu ky bo của đội Đức trong thập niên 1980-1990.
Vì vậy, ở trận lượt đi với Nhật trong khuôn khổ vòng loại Olympic 2008 - khu vực châu Á, tuy tuyển VN chỉ thua 0-1 nhưng người hâm mộ chê ông Riedl thậm tệ. Bởi đó là trận đấu mà toàn đội VN không dám đá bóng, chỉ toàn phá bóng, "hủy hoại" trận đấu để đạt mục đích hạn chế bàn thua! Do đó, trước trận lượt về đêm qua, dư luận rần rần kêu gào ông Riedl phải từ bỏ ngay cái kiểu chơi ấy. Thua đậm cũng được, miễn là phải tiến lên. Lối chơi này không chỉ nhằm thể hiện tinh thần tôn thờ bóng đá đẹp, bóng đá thượng võ, mà còn để biết được đâu là điểm mạnh, điểm yếu của mình nhằm kịp thời chấn chỉnh cho SEA Games 24 vào đầu tháng tới.
May làm sao, ông Riedl đã chịu nghe. Tuyển Olympic VN đêm qua đã có một trận đấu đẹp. Chính nhờ đội tuyển chơi đẹp, người xem mới có được những tiếng xuýt xoa tiếc nuối khi Thanh Bình ngả người bắt vôlê cực đẹp từ đường chuyền của Việt Cường ở phút 19, mà chỉ có tài nghệ xuất thần của thủ môn Shusaku mới cứu được. Tương tự, 10 phút đầu hiệp hai, thủ môn Shusaku cũng mướt mồ hôi để cứu nguy một quả đánh đầu của Thanh Bình và một quả đánh vai của Công Vinh.
Trước một đối thủ hơn mình mọi phương diện, vậy mà tạo được ba tình huống cực kỳ nguy hiểm như vậy cho thấy sức mạnh tấn công của tuyển Olympic VN không đến nỗi tệ.
Nhưng bù lại, hơi đáng lo ở khâu phòng ngự. Nói chính xác là ở thủ môn Đức Cường. Bởi trước đối thủ mạnh mẽ như Nhật, việc bộ tứ hậu vệ Nhật Tân, Long Giang, Xuân Hợp, Việt Cường bộc lộ sai sót, hụt hơi là điều bắt buộc. Chỉ ngại nhất thủ môn Đức Cường, người từng chơi rất hay ở nhiều trận trước, đêm qua bỗng dưng sa sút một cách không ngờ.
Ba trong bốn bàn thua đều do Cường mắc một lỗi, đó là phán đoán không chính xác. Cả ba đều từ những đường chuyền bổng (trong đó hai lần từ tình huống cố định đá phạt), và lần lượt Tadanari (số 20, phút 19, 25) rồi Hosogai (số 2, phút 86) lao vào cắt mặt thủ môn, đánh đầu ghi bàn. Cả ba bàn thua, Cường gần như chôn chân tại chỗ! Nếu phán đoán tốt như những trận trước, Cường hoàn toàn có thể hóa giải các tình huống này. Riêng bàn thứ tư thì không có gì phải bàn, khi Xuân Hợp phạm lỗi với Shinji (11) trong vòng cấm và từ chấm 11m, Keisuke (8) dễ dàng ghi bàn (lẽ ra tỉ số là 0-5, khi Keisuke đá nhẹ một quả phạt 11m ở phút cuối trận, Cường dễ dàng ôm gọn).
Thua đậm nhưng chẳng có gì phải âu lo, bởi SEA Games không có Nhật Bản!
HUY THỌ
Phát biểu sau trận đấu
* HLV Sorimachi (Nhật Bản): Đây là một trận thắng đậm ngoài sức tưởng tượng của tôi, vì trước khi sang VN chúng tôi không nghĩ đến một kết quả như thế! Đây là một món quà dành cho đội Nhật Bản, mặc dù những cầu thủ của chúng tôi trong hiệp hai đã mắc một số sai lầm.
* HLV Riedl (VN): 90 phút thi đấu đã cho chúng ta thấy sự khác biệt đẳng cấp giữa bóng đá VN và Nhật Bản như thế nào. Tuy nhiên, chúng ta đã nhận những bàn thua không đáng do cả hậu vệ lẫn thủ môn. Chúng ta đã có một số cơ hội nhưng các cầu thủ không tận dụng được. Nhưng đây là trận đấu hay hơn ở lượt đi.
Khương Xuân ghi

Lo thung amadon Nam Cua dang dc thu hep


Các nhà khoa học Úc cho biết các đo đạc bằng vệ tinh cho thấy lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực đang thu hẹp lại, với kích thước nhỏ nhất trong vòng 10 năm qua.
Theo nhà khoa học Paul Fraser thuộc Tổ chức Nghiên cứu công nghiệp và khoa học Liên bang Úc (CSIRO), một trong các tổ chức nghiên cứu lớn nhất thế giới, nếu lỗ thủng này tiếp tục thu hẹp với chiều hướng trên, tầng ozone ở Nam Cực sẽ được hồi phục trong vòng 60-70 năm nữa.
Tầng ozone là một lớp khí mỏng ở tầng bình lưu của khí quyển, có tác dụng như một lá chắn, ngăn các tia cực tím có hại đến trái đất.
Lỗ thủng ozone xuất hiện do ảnh hưởng của các chất gây ô nhiễm trong bầu khí quyển. Tại những nơi có lỗ thủng ozone, tia cực tím đến được mặt đất nhiều hơn và sẽ gây tác hại nghiêm trọng cho sự sống trên trái đất.
T.VY (Theo Xinhua)

Su song con tren chom sao tu giai


Phát hiện mới nhất của nhóm Marcy vừa được công bố tuần rồi: đó là hành tinh thứ năm quay quanh ngôi sao mang tên 55 Cancri (thuộc chòm sao Cự giải), nằm cách Trái đất 41 năm ánh sáng.
Trong 20 năm qua, nhóm của nhà thiên văn học Geoff Marcy thuộc Viện Berkeley của Đại học California là một trong những nhóm khám phá hành tinh hàng đầu thế giới. Trong số 260 hành tinh được phát hiện trong những hệ mặt trời khác, nhóm Marcy đã tìm ra hơn 150 hành tinh.
Tuổi Trẻ trích dịch bài trả lời của G.Marcy trên Los Angeles Times 16-11.
* Ông hãy mô tả phát hiện mới của mình?
- Đây (55 Cancri) là một trong những ngôi sao gần Mặt trời của chúng ta nhất. Nó có cùng trọng lượng, cùng nhiệt độ và cùng tuổi với Mặt trời. Nói đơn giản thì điều thú vị nhất là chúng tôi đã tìm ra năm hành tinh chính quay quanh nó. Các hành tinh quay quanh 55 Cancri có trọng lượng dao động khác nhau, từ nhỏ nhất (nhỏ hơn Trái đất ít nhất 10 lần) cho đến lớn nhất (lớn hơn trọng lượng sao Mộc bốn lần).
* Liệu có hành tinh nào có sự sống trên đó không?
"Nếu có một Mặt trăng quanh hành tinh thứ năm này, nó sẽ có bề mặt đá, nên nước có thể tụ trong hồ và đại dương. Nước, lẽ đương nhiên, là then chốt cho sự sống. Việc khám phá hệ năm hành tinh đầu tiên này khiến tôi hết sức vui sướng, biết rằng Thái dương hệ của chúng ta cùng gia đình hành tinh của nó không phải là điều hiếm hoi trong vũ trụ này".
(Geoff Marcy)
- Hành tinh mới nhất, được đánh dấu số 5, có quĩ đạo cách 55 Cancri khoảng 117 triệu km, tức 32 triệu km gần hơn so (khoảng cách giữa) Trái đất với Mặt trời. Nhờ đó, hành tinh mới có thể có một năm khoảng 260 ngày, và quan trọng hơn, nằm trong vị trí các nhà thiên văn học gọi là vùng có sự sống.
Gần 55 Cancri, hành tinh mới này có thể đã ấm lên - giống mặt chúng ta được hơ trong hơi ấm lửa trại vậy, nhiệt độ ấm áp này sẽ khiến nước (nếu có) tan thành chất lỏng. Tuy nhiên, cần phải nói là hành tinh mới dường như hình thành chủ yếu từ hydrogen và khí helium. Trọng lượng của nó khoảng 55 lần trọng lượng Trái đất. Một hành tinh lớn như thế với lõi đá và bầu khí dễ cháy sẽ khó lòng trụ đỡ cho một sự sống như chúng ta được biết.
* Sức quyến rũ của một hành tinh giống như Trái đất là gì?
- Tìm ra trái đất đầu tiên là ước mơ của Aristotle (nhà triết học cổ Hi Lạp). Ngay cả trong địa hạt tôn giáo, con người đã và đang tự hỏi liệu có phải chỉ có một mình Trái đất ở đây không? Liệu Trái đất có phải là trung tâm của sự sáng tạo?... Vatican sẽ rất quan tâm. Không đùa đâu. Tôi đã nhận được hai cuộc điện thoại của họ.
* Triển vọng cho việc tìm ra những hành tinh trong tương lai sẽ như thế nào?
- Có ba sứ mệnh thú vị mà NASA hiện đang lên kế hoạch và tăng cường tìm kiếm. Sứ mệnh thứ nhất tên gọi Kepler. Đó là một viễn vọng kính đặt trên vũ trụ, có thể đo được vệt mờ bé nhất (được tạo ra bởi việc một hành tinh bay ngang trước một ngôi sao chủ), tới 1/100.000, cho phép chúng tôi dò ra những hành tinh tương tự Trái đất. Mục tiêu là chụp hình một khoanh lớn của bầu trời chung quanh chòm sao Thiên nga, quan sát 150.000 ngôi sao liên tục trong bốn năm... Dự kiến nó sẽ được bắt đầu vào năm 2009.
* Còn những nhiệm vụ khác?
- Kế đó, NASA đang thúc đẩy sứ mệnh đo giao thoa vũ trụ (SIM) tại Phòng thí nghiệm phản lực ở nam California. Việc SIM làm là tìm những hành tinh tương tự Trái đất trong những khu vực có thể có sự sống ở những ngôi sao gần Trái đất nhất. SIM sẽ tìm người anh em song sinh của Trái đất trong khoảng cách vài năm ánh sáng gần chúng ta.
* Và sứ mệnh thứ ba?
- Là bộ dò tìm hành tinh trái đất (terrestrial planet finder - TPF). Tôi xếp nó thứ ba bởi vì lý do công nghệ còn xa mới đạt tới. Chúng tôi hi vọng sẽ khởi sự nó vào năm 2016. Điều đặc biệt về TPF là nó sẽ chụp những tấm ảnh đầu tiên của những hành tinh tương tự Trái đất. Thử nhìn vào chính Thái dương hệ của chúng ta. Hành tinh nào màu xanh? Trái đất. Cho nên nếu anh tìm ra một ngôi sao khác có chấm xanh mờ quay quanh một ngôi sao vàng, thì màu xanh (đó) và những phân tích hóa học của hành tinh có thể cho chúng ta một giả thiết mạnh mẽ về sự sống.
* Nếu tìm ra được "anh em song sinh" với Trái đất, chúng ta sẽ làm gì?
- Tôi biết chính xác ta sẽ làm gì: Viện Berkeley cùng với SETI (Viện Tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái đất) đang xây dựng một kính viễn vọng vô tuyến ở phía bắc núi Lassen (Hat Creek) để dò tìm những tín hiệu truyền hình và truyền thanh từ một nền văn minh công nghệ tiên tiến.
* Nếu tìm được sóng radio, chúng ta sẽ làm gì?
- Đã có dự thảo về việc này. Bước A sẽ là thông tin rộng rãi và đồng loạt khắp thế giới để mọi người có thể biết và giám sát công việc của chúng ta. Bước tiếp theo sẽ là... một hội nghị, nơi tất cả các dân tộc đều cử đại diện đến để thảo luận thông điệp nào chúng ta sẽ hồi đáp họ. Hãy nhớ cuộc đối thoại đó sẽ không được ứng đáp sinh động đâu, bởi một ngôi sao cách ta 50 năm ánh sáng có nghĩa thông điệp cần 50 năm để tới với họ và 50 năm nữa để họ trả lời chúng ta!
TRẦN ĐỨC THÀNH trích dịch

Bao luc doi voi tre em la toi ac

Sau vụ em Trâm ở Đồng Tháp, vụ em Bình ở Hà Nội, em Hiền vừa tự tử ở Đắc Lắc thì lại có thêm chuyện về bốn em học sinh Trường Trần Phú bị đánh đập dã man ngay tại TP.HCM.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Bạo lực đối với trẻ em là tội ác! Bi kịch ở đây là nhà trường đã “khoán” nhiệm vụ dạy làm người của mình cho lực lượng dân quân. Sự bất lực của một cơ quan giáo dục là hồi chuông báo động đỏ không những đối với ngành giáo dục mà cả xã hội. Chuyện của em Bình ở Hà Nội chứng tỏ sự vô cảm đáng sợ của người dân và chính quyền địa phương. Những kẻ hành hung em rõ ràng là bệnh hoạn.
Thay vì cầu cứu với lực lượng dân quân, lẽ ra nhà trường phải gọi các nhân viên tư vấn tâm lý và công tác xã hội. Thay vì chỉ dựa vào bạo lực trấn áp, đáng ra phải xây dựng các phòng công tác xã hội hay tham vấn tâm lý học đường (như một số ít trường đã triển khai chủ trương chính thức này của Bộ GD-ĐT).
Ở nhiều nước, ngay cả công an cũng phải liên kết chặt chẽ với lực lượng tâm lý xã hội trong các vụ việc liên quan đến trẻ em. Thậm chí khi làm việc trong lĩnh vực này, họ phải học tâm lý và công tác xã hội. Cô thầy giáo trước tiên phải là các nhà tâm lý giáo dục, lẽ nào lại có thể quên các kiến thức nền tảng của nghề?
Tất nhiên chuyện bạo lực học đường giữa các em học sinh cũng rất đáng lo ngại. Nó nhắc nhở các nhà văn hóa, nhà giáo dục, nhà khoa học sự cần thiết phải nhìn rõ tình hình này và có giải pháp thích hợp với đặc thù của môi trường sư phạm.
Cần sớm giải quyết ngay tình trạng “bất lực” và “bệnh hoạn” chết người này.
NGUYỄN THỊ OANH

Vo cam den bo tay!

Hàng trăm ngàn người dân vùng lũ miền Trung hiện đang khốn khổ với lũ, nhiều gia đình vẫn còn nheo nhóc trong những căn chòi tạm bợ mới dựng lên, nhiều người trong tận cùng nỗi đau khi có người thân bị lũ nhấn chìm. Lũ nối lũ, nay trời lại tiếp tục mưa lớn, dự báo một cơn lũ lớn có thể chồng lên tiếp. Tang thương trùm bủa.
Trong lúc cả nước đang hướng về vùng lũ miền Trung với những tất bật lo âu và chia sẻ thì thật bất bình, nổi giận khi hay tin một số quan chức - trong đó phần lớn là các quan chức ngành thuế - ở Quảng Nam lại tập trung tại một sới bạc ở nhà ông phó cục trưởng cục thuế của tỉnh
vừa đánh bạc vừa uống rượu giữa lúc lũ đang lên (Tuổi Trẻ 15 và 16-11-2007).
Quan chức đánh bạc đã đáng bị xét xử nặng hơn người dân. Nhưng những quan chức đánh bạc, uống rượu giữa lúc nhân dân đang gồng mình chịu lũ, nhiều cán bộ viên chức khác đang dồn hết tâm sức cùng nhân dân tìm cách chống lũ, cứu đói thì quả là sự vô cảm đến mức không thể lý giải. Chỉ có thể nói đây là những kẻ đã chai cứng lương tâm trước nỗi đau của đồng bào, đồng loại, không còn chút ý thức trách nhiệm trước người dân.
Những quan chức - con bạc này còn chà đạp lên đạo lý làm người: chơi bời thả cửa giữa lúc người khác đang trong cơn đại nạn. Hay là vì quá nghiện trò đỏ đen - theo lời ông bí thư chi bộ khối phố nơi có sới bạc này mà chi bộ của ông đã có đơn gửi lên ông chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu triệt hạ - nên họ đã bất chấp, quên cả những ứng xử ngàn đời của dân tộc mà một học sinh tiểu học biết rất rõ: "Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”?!
NGUYỄN HẢI SƠN

Khong noi mai mai la that bai.


Tại sao những cô gái lại phải câm lặng khi tình yêu bùng cháy trong lòng mình? Tại sao quyền tỏ tình chỉ thuộc về đàn ông? Liệu bạn sẽ tiếp tục giữ quan điểm "chỉ có trâu đi tìm cọc, chứ cọc nào lại đi tìm trâu !" sau bài viết dưới đây của cô gái trẻ Hà Kin?
>>
Bạn nghĩ gì khi con gái chủ động "tấn công"?
Có bao nhiêu cô gái đang yêu thầm một anh chàng nào đấy? Và bao nhiêu trong số các cô đang tự đấu tranh với bản thân mình để được nói ra điều đó? Làm gì đây? Mua một bông hoa cúc về rồi ngắt từng cánh một: "nói", "không nói", "nói", "không nói"... cứ thế, nếu bông cúc ấy kết thúc ở sự lựa chọn "không nói", có lẽ cô phải tìm ngay bông khác... dứt tiếp cho đến khi bông hoa đồng ý cho cô ấy "nói" thì thôi.
Tại sao các cô gái phải day dứt nhiều như thế?
Ấy là vì cái quan niệm "con gái không nên tỏ tình trước", một quan niệm phổ biến có từ rất xa xưa và bây giờ vẫn tồn tại rõ ràng trong xã hội hiện đại. Điểm đặc biệt quan niệm này không chỉ áp dụng cho người phương Đông mà với cả người phương Tây, phương Nam, phương Bắc.
Mặc dù bây giờ hiện tượng "cọc đi tìm trâu" đã ngày càng trở nên phổ biến và bình thường hơn, nhưng chưa thể trở thành bình thường tới mức người ta không thể không nhắc tới nó, và cũng chưa đủ để tất cả cô gái dũng cảm áp dụng cái quyền chủ động ấy một cách tự nhiên nhất.
Vậy có một lý do nào thuyết phục để giải thích cho việc tại sao con gái không nên tỏ tình trước hay không? "Không nên", nghĩa là điều này không tốt, nhưng sao nó lại không tốt?
Đàn ông là phái mạnh nên họ cho mình cái quyền chủ động, và họ thích được đi chinh phục. Còn phụ nữ, phái yếu, hiển nhiên là những kẻ bị động. Đấy là một kiểu suy nghĩ theo tập quán mà không cần phải có lý do giải thích logic, và tất nhiên nó đã trở thành một quan niệm xã hội truyền thống.
Từ đây suy ra những cô gái đi tỏ tình trước là những cô gái "không kín đáo", "bạo gan", "mặt trơ”, như thế thì còn gì là phái yếu nữa. Và hiển nhiên đàn ông ít người lại chấp nhận cái kiểu phụ nữ như vậy. Nhưng xét lại cái xấu nó nằm ở đâu? Ở cái sự không giải thích được logic kia hay là ở cái sự "suy ra"? Bao nhiêu người con gái đã bỏ lỡ những cuộc tình và dằn vặt bản thân vì những điều ấy? Chưa kể một xã hội chỉ toàn phụ nữ "kín đáo" thì chắc là một xã hội buồn mà chết mất!
Có những anh chàng rất nhút nhát
Ai sẽ là người ngỏ lời trước? (ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: Gia TiếnNhững phát hiện vui từ mạng Google:
Với lệnh tìm "Anh yêu em" có tới 845.000 kết quả.
Trong khi lệnh tìm "Em yêu anh" chỉ có 484.000 kết quả.
Tuy nhiên, tình hình còn bi quan hơn khi thực hiện lệnh tìm: "Em có muốn làm vợ anh?" cho 3.060 kết quả.
Còn lệnh tìm: "Anh có muốn làm chồng em?" chỉ có 4 kết quả!Một tình yêu thật sự bao giờ cũng phải là sự đồng điệu tâm hồn của cả hai phái, nếu không có điều này thì không thể gọi là tình yêu đôi lứa. Và khi đó tình cảm là sự công bằng, một cô gái cũng yêu như một chàng trai chứ, tại sao cô ấy không thể được bày tỏ tình cảm của mình? Tình cảm là thứ cả loài người đều có, tại sao lại bắt một người kiềm chế không được thể hiện tình cảm của mình chỉ vì cô ấy là phụ nữ?
Các bạn gái hãy nhớ rằng khi bạn tỏ tình với một ai đó có thể thành công, có thể thất bại, nhưng nếu không nói thì sẽ mãi mãi là sự thất bại!
Người ta chỉ được quyền đánh giá một cô gái qua cái cách cô ấy tỏ tình. Cô ấy tỏ tình như thế nào? Quá trơ trẽn? Tế nhị? Nhẹ nhàng? Dữ dội? Quá vồn vã?... Có rất nhiều sắc thái của việc tỏ tình, vậy nên không thể đánh giá chung hết tất cả những cô gái tỏ tình trước là đều thuộc vào "một giuộc" như nhau cả.
Nếu bạn là một cô gái có tình cảm chân thành với một người đàn ông nào đó, bạn có một phong cách lịch sự và ý nhị, bạn toàn quyền để tới gặp và nói cho người ấy biết tình cảm của mình. Tại sao không nhỉ? Cái việc một cô gái thích một người đàn ông là một điều gì xấu chăng? Nếu có thì nó xấu ở chỗ nào?
Nhưng bạn cũng nên xem xét và tìm hiểu một chút về đối tượng của mình trước khi buông lời yêu đương để khỏi bị hớ! Còn nếu bị hớ, gặp phải một kẻ tự mãn và coi thường bạn thì bạn phải cảm ơn lời tỏ tình của mình, vì nhờ thế bạn chẳng cần tốn thêm thời gian mơ mộng và tiếc nuối một con người như vậy nữa! Còn nếu người ta không yêu bạn thì thôi...!
Đôi lúc việc phái nữ tỏ tình trước lại là một điều cần thiết. Bởi nếu bạn không nói sẽ có thể bạn đã bỏ lỡ mất một mối tình thật đẹp. Có những anh chàng rất nhút nhát, nhút nhát tới mức chẳng dám tỏ tình với ai, cho dù có "thích cô ấy chết đi được" và cô ấy cũng thế. Lúc này, anh ta cần một cô gái đến "vỗ" vào mặt cho anh ta tỉnh ra, cho cô thỏa cơn bực tức: "Này cậu kia, tớ yêu cậu lắm đấy!".
Có rất nhiều người đàn ông thật sự biết rung cảm khi một người phụ nữ chủ động nói lời yêu mình. Đâu phải tất cả đều coi trọng cái chuyện "trâu" và "cọc", mọi sự chân thành đều có thể cảm hóa được những trái tim.
HÀ KIN

Ren luyen tinh than.

Khám phá nguyên tắc 90/10
TTCT - 90/10, con số này có nghĩa gì? Đó là 10% những gì xảy đến trong cuộc đời này mà bạn không thể kiểm soát và 90% còn lại quyết định bởi cách bạn phản ứng đối với những chuyện xảy đến đó.
Ví dụ, bạn đang dùng điểm tâm cùng với gia đình. Con gái bạn làm đổ cà phê lên chiếc áo sơmi bạn mặc đi làm. Bạn không kiểm soát được hành động vừa rồi. Những gì xảy ra tiếp theo phụ thuộc cách bạn phản ứng ra sao.
Bạn mắng cháu. Cháu phát khóc. Bạn trách cả vợ mình vì đã đặt tách cà phê quá gần mép bàn. Bạn xồng xộc lao lên lầu thay áo. Khi trở xuống, con bạn đã lỡ chuyến xe đi học. Vợ bạn phải hối hả đi làm. Bạn đi nhanh ra xe, đưa con gái đến trường. Sợ trễ, bạn chạy xe quá tốc độ cho phép. Sau khi mất 15 phút làm việc cùng cảnh sát và chịu phạt, bạn đưa con tới trường. Cháu chạy nhanh vào lớp không kịp chào bạn.
Bạn đến văn phòng trễ 20 phút, lại thấy mình bỏ quên chiếc cặp ở nhà. Một ngày của bạn đã bắt đầu thật khủng khiếp. Những chuyện xảy đến tiếp theo càng lúc càng tệ hại. Buổi chiều, bạn buồn chán trở về nhà và thấy không khí gia đình cũng không còn vui vẻ.
Tại sao bạn có một ngày buồn chán như thế?
A. Tại tách cà phê?
B. Tại con gái bạn?
C. Tại cảnh sát?
D. Hay tại chính bạn đã gây ra?
Câu trả lời là D. Bạn đã không làm chủ được những gì xảy ra với tách cà phê. Với năm giây phản ứng của mình, bạn đã tạo ra một ngày tồi tệ.
Lẽ ra bạn nên: khi tách cà phê đổ, con gái bạn sắp khóc, bạn chỉ cần nhẹ nhàng với cháu: “Không sao đâu cục cưng, lần sau con nên cẩn thận hơn một chút”, rồi nhanh chóng lên lầu thay áo. Bạn mang theo chiếc cặp khi xuống nhà và vừa kịp vẫy tay chào lại khi cháu bé lên xe đến trường. Bạn đến văn phòng sớm 5 phút và vui vẻ chào các đồng nghiệp. Sếp cũng khen bạn về một ngày làm việc có hiệu quả.
Bạn có để ý đến sự khác nhau? Hai chuỗi sự kiện khác nhau đều có cùng một khởi đầu. Chuyện bất ngờ xảy ra chỉ chiếm 10%, 90% còn lại quyết định bởi cách phản ứng của bạn.
Hãy khám phá nguyên tắc 90/10. Nó sẽ thay đổi cuộc đời bạn hay ít nhất là cách bạn phản ứng đối với hoàn cảnh.
T.M. (Theo boreme.com)

Chung chi tinh yeu.


Người ta có giấy chứng nhận kết hôn khi cưới nhau, có bằng khi tốt nghiệp khi học xong; vậy tại sao những người yêu nhau lại không có chứng chỉ tình yêu?
Từ ý nghĩ này, một sinh viên đại học ở thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) đã làm một chứng chỉ tình yêu cho bạn gái của mình.
Quách Xuân Long, sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Công nghệ và Kinh doanh Trùng Khánh muốn tặng bạn gái một món gì thật đặc biệt và cậu quyết định làm một chứng chỉ tình yêu. Sáng kiến này của Long được lấy cảm hứng từ bài “Love Certificate” (tạm dịch là Chứng chỉ tình yêu) do ca sĩ Singapore Stefanie trình bày. Kết quả là bạn gái của Long rất thích món quà độc đáo này và chính cô gợi ý người yêu làm thêm chứng chỉ tình yêu để bán cho các sinh viên đang yêu.
Nhìn bên ngoài, tờ chứng chỉ tình yêu trông không khác với những giấy chứng chỉ khác, nhưng thiết kế bên trong mới đặc biệt. Long cho biết "bạn có thể viết vào tờ chứng chỉ những dòng chữ bạn muốn gửi tới người yêu và bạn cũng có thể dán ảnh mình lên đó”.
Được bán với giá 9,9 nhân dân tệ, những tấm chứng chỉ tình yêu do Long làm nhanh chóng được các sinh viên đại học ưa chuộng.
Một sinh viên học chuyên ngành Văn học và Ngôn ngữ Trung Quốc tiết lộ là bạn gái của cậu vô cùng cảm động khi nhận được chứng chỉ tình yêu. Sinh viên này kết luận là “giờ đây quả là ngớ ngẩn khi tặng bạn gái hoa hồng hoặc búp bê làm quà”.
THƯƠNG VŨ (Theo CRI

Noi long cha me tiet sang dong

Cuối thu! Trời bắt đầu lạnh. Bố nói: “Không biết trong đó trời lạnh như ngoài này chưa? Anh em nó mặc có đủ ấm không”! Mắt mẹ ngân ngấn nước…
Mẹ nói: “Tháng này tôi cố vỗ béo con lợn cuối tháng bán lấy tiền gửi vào cho anh em chúng nó. Trong đó, trời lạnh và mưa… Bé út không biết có còn bị đau khớp khi trời trở lạnh nữa không?”
Anh cả đã là sinh viên năm tư rồi! Anh hai trở thành sinh viên năm hai. Năm nay út cũng vào Đại Học. Dáng mẹ như gầy đi vì tất tả ngược xuôi, lo tiền cho ba anh em ăn học. Bố đã ngoài 50 tuổi, tóc bạc thêm mấy phần, vầng trán như hằn sâu thêm những vết nhăn, vì lo toan công việc…
Trời mưa, út ra bưu điện gọi điện về nhà. Nhà ta chưa có điện thoại. Con gọi về nhà bác. Bố sang nghe máy, nghe giọng bố không còn ấm và khỏe như trước…
…Ngoài quê, bây giờ cũng đã lạnh rồi! Bệnh phong thấp của bố không biết đã đỡ chưa? Mẹ có còn bị đau lưng mỗi khi trở trời? Mái nhà bị dột được chắp vá nhiều lần có qua được mùa mưa?
Con cúp máy, mẹ còn nói với thêm “con lo ăn uống cho đầy đủ, đừng tiết kiệm quá, kẻo ảnh hưởng đến sức khỏe… Tiền mẹ gửi vào cho.” Con bước ra khỏi buồng điện thoại. Trời vẫn mưa. Con thấy cổ họng mình nghẹn đắng. Nước mắt con rơi tự lúc nào...
MAI PHƯƠNG, Đại Học Khoa Học Huế

Neu co thuong con...

Khó khăn lắm, con mới có thể chịu đựng nổi không khí u ám, nặng nề khủng khiếp như nhà có đám ma của gia đình mình. Và sự chịu đựng cảm giác này trong con có từ rất lâu, lâu lắm rồi. Một cảm giác sợ, ngột ngạt và bức bối.
Nhưng để thoát ra khỏi, con hoàn toàn vô vọng ba mẹ ạ.
Ba là một nhà trí thức lớn, mẫu mực, có địa vị vững chắc và được mọi người kính nể. Còn mẹ ở nhà nội trợ và những lúc rảnh rỗi, mẹ hay ra ngoài tham gia công tác xã hội với các cô, các bác. Anh em chúng con, tất cả đều đã trưởng thành và thành đạt trong học vấn và sự nghiệp.
Nhìn bề ngoài gia đình của mình, bạn bè con ai cũng ganh tị, thèm thuồng vì lầm tưởng gia đình mình ấm êm, hạnh phúc lắm! Nhưng thực tế, gia đình mình chưa bao giờ có những phút giây hạnh phúc, chỉ là sự khẳng định vai trò của từng thành viên trong gia đình mình với thế giới xã hội bên ngoài mà thôi.
Có thể nói, ngoài xã hội ba là người sống hòa đồng với mọi người, làm việc rất có trách nhiệm, thanh liêm chính trực, nhưng khi về với gia đình của mình, ba lại giũ sạch những phẩm chất tốt đẹp đối với xã hội, để thể hiện đúng bản chất thật của mình: gia trưởng, lạnh lùng, độc đoán, ít nói, khó gần, quản lý con cái theo "kỷ luật sắt" của quân đội. Còn mẹ, nhu nhược, sợ sệt, nuông chìu và lệ thuộc vào tình cảm của ba một cách mù quáng, ứng xử thô lỗ thiếu tế nhị với con cái.
Chính vì kiểu mẫu mực ảo, lạnh lùng… của ba và nhu nhược của mẹ mà con luôn sợ và tìm cách trốn tránh. Từ lúc trưởng thành và hiểu biết nhiều hơn, con càng thấy rõ thực trạng không êm đềm trong gia đình của mình. Con rất sợ và không muốn trở về nhà sau mỗi buổi chiều tan giờ làm việc, con gần như sống khép kín, không bao giờ trò chuyện tâm sự thân mật những suy nghĩ sâu kín của con với ba hoặc mẹ. Và điều đó có nghĩa là giữa ba mẹ và con lúc nào cũng có một ngăn cách rất lớn không thể xóa bỏ được.
Gặp ba mẹ, con chỉ thưa qua vài câu là con nhanh chân lủi vô phòng của mình ngay. Giữa ba mẹ và con nếu có thì chỉ trao đổi với nhau những câu chuyện ngoài xã hội, vì con biết giữa ba mẹ và con không thể tìm được tiếng nói chung. Khi nói chuyện với ba mẹ, câu trước câu sau là lập tức con mất bình tĩnh nổi cáu và cự cãi. Và có lẽ một phần vì con là đứa con xấu xí nhất nhà, không tài giỏi như các anh và có một chút khiếm khuyết về hình thể, nên ba mẹ có thái độ khó chịu, không thích mỗi khi gặp con.
Ba mẹ có biết tại sao con lại như vậy không? Vì con nhớ hồi còn nhỏ, có một lần con vô tình nghe được cuộc cãi vã nảy lửa giữa ba mẹ vì sự ra đời của con không hoàn mỹ như mong ước của ba mẹ, ba mẹ cho rằng con là nguyên nhân đem những chuyện xui xẻo đến cho cả nhà mình.
Nghe những lời đó con rớt nước mắt và cố tìm một lý do để loại suy nghĩ không tốt của con về ba mẹ mà biện minh, ba mẹ vì quá bức bối hoàn cảnh kinh tế khó khăn và bao nhiêu bất hạnh cứ dồn dập xảy đến với gia đình mình, nên ba mẹ mới nói vậy. Chứ ba mẹ vẫn thương con, làm lụng vất vả, hi sinh tất cả vì con và mong con được hạnh phúc, có đúng như vậy không ba mẹ?
Nhưng không thể được, những lời nói, thái độ và hành động đó của ba mẹ dành cho con cứ ám ảnh và đeo đẳng theo con như hình với bóng suốt từ đó cho đến tận bây giờ.
Con buồn nhiều lắm, mỗi khi ba mẹ không thuận hòa với nhau, to tiếng cắn đắng nhau, là ba mẹ lại “giận cá chém thớt” lấy con ra làm vật hi sinh để trút hờn trút giận. Con đã kiên nhẫn chịu đựng những cơn giận dữ và những lời nói rất sốc từ ba mẹ. Có lẽ những lúc đó ba mẹ đâu cần biết đến cảm nghĩ của con? Lúc đó tinh thần con căng thẳng, mệt mỏi, lo sợ và biết bao lần con chỉ muốn đi đâu đó xa thật xa...
Nếu có yêu thương con thì xin ba mẹ, ngoài vai trò và nghĩa vụ làm cha làm mẹ đối với con, hãy làm bạn với con đi. Hãy chịu khó lắng nghe nhiều hơn để thông cảm, thấu hiểu và tôn trọng suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của con. Mỗi khi con vấp ngã hay buồn bực trong cuộc sống, con rất cần sự thương yêu gần gũi, chia sẻ, những lời nói dịu dàng mềm mại động viên, vỗ về và nâng đỡ của ba mẹ để hướng dẫn cho con sống tốt hơn.
Và điều sau cùng con muốn thổ lộ với ba mẹ, con rất tủi thân và cảm thấy cô đơn, cứ mỗi khi làm về, con luôn phải ăn cơm chiều một mình. Gia đình mình đã từ lâu thiếu không khí của một bữa cơm gia đình thân mật, ấm cúng, rộn ràng tiếng nói, tiếng cười và tràn đầy tình yêu thương...
Con hi vọng ba mẹ sẽ đọc được những dòng tâm sự này của con, sẽ không quá muộn lắm đâu để ba mẹ nhận ra những điều ba mẹ chưa bao giờ hiểu con… để hiểu, thông cảm và gần gũi con nhiều hơn.
KHANH NGUYEN

Mien trung mua nay...

Quê nhà, miền Trung lại lũ! Từng đợt lũ kéo dài khiến mắt mẹ quầng thâm vì bát cơm, manh áo cho con. Ba vẫn chân trần những đêm gió mưa buông lưới cho sáng mai có hàng ra chợ. Những con cá mình tròn nơi biển khơi nuôi con khôn lớn.
Năm tháng đi qua con xa rời vòng tay ba mẹ, xa rời biển cả ấm êm. Con đi học theo niềm tin của con, niềm tự hào xen lẫn âu lo của ba mẹ. Con đi học đại học…
Ra thành phố, nơi phồn hoa lạ lẫm con nhớ bát canh ngao tay mẹ trao béo ngậy. Con nhớ ánh nhìn thương yêu của ba. Rồi con nhớ khi mình khóc gục vào vai ba nơi bến ga vội vã. Tiếng ba sao nghe ấm: “Cố lên con gái của ba! Cố lên con, ba mẹ chờ và tin ở con”.
...Nhưng rồi nhìn bạn bè nơi phố xá đông vui diện những bộ cánh thật sang và thật mốt, con thèm khát. Con quên lời của mẹ. Mẹ ơi! con đi vào lối mòn của những cô gái quê ăn chơi xa xỉ tóc ép, quần jean, áo chẽn… Con tung tăng, con quên đi con là con của ba, con của người ngư dân với sóng biển mặn mòi...
Hai năm đại học trôi đi với những vất vả, lo toan của ba mẹ, thói buông thả của con. Ngày qua đi, tháng năm trôi vào vô thức, những nếp nhăn trên khuôn mặt mẹ hằn thêm. Nỗi đau đáu thương con khiến đôi mắt ba sâu hoắm. Con biết và nhận ra lỗi lầm những tháng ngày bỏ quên ấy.
Nhưng may mắn sao, con giật mình chợt tỉnh. Và rồi, con vực lại chính mình qua những giờ chăm chú nghe giảng, qua những bài tiểu luận được thầy đánh giá cao. Con chăm viết thư về cho ba mẹ. Con phụ thêm ba mẹ bằng những đồng tiền gia sư vất vả. Con chua xót nhận ra giá trị những đồng tiền của mẹ cha, những đồng tiền một thời con đánh rơi vào khoảng tối.
Giờ đây, ngồi nghe mưa nơi phòng trống, tin bão ở nơi có ba và có mẹ. Con đau! Con cầu trời cho ba không ra khơi ngày hôm ấy. Con mong ruộng muối của mẹ cất xong. Những hạt mưa to thật là to rơi vào tim con nhói buốt. Ba mẹ ơi! Mong ba mẹ bình yên...
Đêm xuống, mưa vẫn rơi, con chạy vội vã ra trạm điện thoại gọi điện cho ba mẹ. Người hàng xóm giọng ngái ngủ, mà tim con dịu êm đến lạ. Biển cả đã yên bình, nắng đã nhen và ba mẹ vẫn khỏe. Ba vẫn tin ở con và mong con trở về là một cô nhà báo. Mẹ vẫn thầm quầng với nỗi lo từng ngày trên vai đôi quang gánh gồng ước mơ của con chắp cánh. Lời cảm ơn nghẹn ngào con nói mà như hát ở tim con. Mẹ ơi! Ba ơi! Biển cả đã yên và những con cá lại vẫy vùng vui sướng.
Đêm qua đi, trời sắp bình minh và phố xá bắt đầu ồn ã. Con mệt nhoài tranh thủ giấc ngủ cho tiết học buổi chiều tỉnh táo hơn. Trong giấc mơ con, con thấy ba mẹ mỉm cười và nhìn con thật âu yếm. Con cười thật tươi và thổn thức lời dễ thương: “Ba mẹ của con ơi! Con yêu ba mẹ!”.
NGUYỄN THU HÀ

Ban thu di bang doi giay cua con


Bà Trish Summerfield - giám đốc Chương trình giáo dục các giá trị cuộc sống (Living value - LVEP) tại VN - đã hỏi như vậy khi chia sẻ với PV câu chuyện của bố mẹ và con.
Hạnh phúc hay thành đạt?
* Theo ông Charles Hogg - giám đốc Trung tâm Tịnh dưỡng châu Á - Thái Bình Dương: "Nếu mười năm trước phụ huynh Úc thích con họ trở thành kỹ sư, luật sư, bác sĩ thì hiện tại họ chỉ muốn con mình là người quân bình cả tình cảm lẫn tinh thần, nghĩa là thành người tốt". Bà có thể giải thích thêm điều này ?
- Không chỉ ở Úc, một số nước khác như Anh, New Zealand, lựa chọn của các phụ huynh cho con họ vẫn là hạnh phúc, là một người tốt thay vì trở thành bác sĩ, luật sư... Thống kê trích từ báo cáo của chương trình "Các công thức cấu thành hạnh phúc" đặt vấn đề cho các phụ huynh: "Trong xã hội ngày nay cần làm giàu hơn hay cần hạnh phúc hơn", 81% chọn ngay hạnh phúc! Chỉ 77 người trong số 1.000 người được hỏi cho rằng hạnh phúc khi có nghề nghiệp ổn định. 52% giáo viên Anh khẳng định "họ muốn học trò được học về kỹ năng sống, phong cách sống hơn là học về chuyên ngành…".
* Vì sao lại có sự thay đổi nói trên?
- Ở Anh, so với 50 năm trước, số người nghiện ma túy cao gấp 200 lần. Những năm gần đây, mức độ tự tử trong giới trẻ Úc và New Zealand thay nhau đứng ở tốp đầu thế giới; trong khi số người hạnh phúc ngày càng giảm dần, dù rằng phần lớn họ đều có thu nhập cao. Vị trí xã hội cao có thể cho bạn cuộc sống đầy đủ nhưng đó không phải là công thức để có hạnh phúc.
* Nhiều phụ huynh VN lại giáo dục con mình theo hướng đề cao sự thành đạt qua việc ép trẻ học quá nhiều thứ. Bà nghĩ sao về điều này?
- Trở thành ai đó mà bố mẹ muốn hay trở thành người mà chính mình muốn, con bạn sẽ hạnh phúc với lựa chọn nào hơn? Ở châu Á, rất nhiều phụ huynh muốn con mình trở thành bác sĩ. Đặt một cột mốc phấn đấu mà không tìm hiểu xem con cái có thích và thích hợp với sự lựa chọn đó hay không, bạn đã tạo áp lực cho con mình.
Hãy đi bằng đôi giày của con!
Yêu thương là một trong năm giá trị quan trọng cha mẹ cần hướng dẫn cho trẻ (ảnh mang tính minh họa) - Ảnh: Thanh Đạm* Theo bà, những điểm quan trọng trong giáo dục phong cách sống, giá trị sống cho trẻ là gì?
- Năm giá trị quan trọng để hướng dẫn cho trẻ là: bình an, yêu thương, nhận thức giá trị bản thân, được tôn trọng và hiểu biết. Ba giá trị nền tảng là yêu thương, bình an và tôn trọng. Bình an ở đây là môi trường cho trẻ. Một số trường học đưa ra nguyên tắc phải tạo được bầu không khí bình an, ở đó trẻ tự do phát huy sáng tạo. Vừa học vừa chơi; học qua chơi, giáo dục trẻ qua ứng xử…
Và khi trưởng thành, dù là giáo viên, công nhân hay gì đi chăng nữa, trẻ có sự tự tin vững vàng về bản thân mình và cả kỹ năng giải quyết xung đột. Để hiệu quả, các bậc phụ huynh cũng phải cam kết sẽ tạo môi trường bình an tương tự ngay tại gia đình mình.
* Nhưng nếu chỉ yêu cầu trẻ trở thành người tốt, không khuyến khích trẻ thành người thành đạt liệu sẽ làm trẻ không có chí tiến thủ?
- Hãy để con mình quyết định và lựa chọn. Rất nhiều người trong chúng ta học tập miệt mài, suốt cả tuần để làm một công việc nào đó mà lại không được học cách để là người thực hiện công việc đó. Nhiều bà mẹ được dạy rằng làm mẹ thì phải làm thế này thế kia, nhưng không được dạy để là mẹ thì phải như thế nào? Vì thế, hãy là người hướng dẫn để con bạn "là” ai chứ đừng "làm" theo những chỉ bảo. Thay vì bắt trẻ chọn lựa, bố mẹ hãy hướng dẫn để con sống và chọn nghề chúng thích. Sự cạnh tranh sẽ đồng hành với tiến thủ.
* Nhiều phụ huynh cho rằng giữa họ và con cái dường như có một bức tường khi con vào tuổi teen…
- Trẻ con có nhiều chặng đường phát triển: 0-2 tuổi, 2-4 tuổi, 4-8 tuổi, 8-14 tuổi, từ 14-18 tuổi... Ở mỗi chặng, bố mẹ hãy thử "xỏ”chân vào đôi giày của trẻ và đi vài dặm đường, bạn sẽ hiểu con mình hơn.
Không ít phụ huynh cùng con tham dự các khóa học của LVEP (tại 85 Phó Đức Chính, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tỏ ra bất ngờ trước ứng xử, cách giải quyết tình huống của con, như thể họ lần đầu tiếp xúc với nhau. Vấn đề lớn ở đây là chúng ta thường không lắng nghe nhau tốt. Khi trẻ có hành xử không hay, không đúng, bố mẹ phải đặt mình vào vị thế khách quan, đưa chân vào đôi giày của con để hiểu và chia sẻ. Đồng thời cùng con lùi lại một bước, xem lại thái độ như thế có ổn không, có ảnh hưởng đến các mối quan hệ không.
* Những tối kỵ trong giáo dục con cái là gì, thưa bà?
- So sánh và áp đặt con vào một chuẩn mực nào đó. Chẳng hạn con phải đứng nhất lớp mới là ngoan… Sự thờ ơ của bố mẹ cũng làm hư trẻ. Nếu trẻ không học được từ bố mẹ, thầy cô thì sẽ học từ bạn bè, từ những bạn có tính cách tương đồng. Khi ấy bản thân các em như một quả bom có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
VI THẢO thực hiện

Thua co con da lon


Sáu năm học tập làm việc tại TP.HCM cũng là sáu lần tôi đón ngày 20-11 trong nỗi nhớ da diết về một người cô kính yêu nơi huyện nghèo của tỉnh Phú Yên.
Ngày ấy, ngôi trường cấp II của tôi hiền lành nép dưới những tán cây xanh rì và thơm hương ruộng đồng bát ngát. Huyện nghèo. Chỉ giàu hạt lúa và những đôi bàn tay cần cù. Sáng, con nít ôm cặp đi học chữ, chiều về học… chăn trâu, cắt lúa, nấu cháo heo… phụ ba má. Thằng bé tôi cũng không nằm ngoài “vùng phủ sóng” ấy.
Con nít huyện nghèo, học cưỡi trâu, tắm sông nhanh hơn học… tiếng Anh. Cũng vì vậy mà ngày đầu tiên cô vào lớp (cô là giáo viên Anh Văn), mấy chục “thiên thần nhỏ” do tôi làm thủ lĩnh (tôi là lớp trưởng) chuẩn bị ngay bộ mặt căng thẳng. Tôi nghịch ngợm nghĩ cái dáng cao gầy rất hợp với cái tên dài… bằng bờ ruộng của cô: Phạm Nữ Ngọc Tâm.
Ấy vậy mà thiệt tự nhiên, dáng vóc hao gầy ấy, giọng nói ấm nóng rặt miền Trung và cách dạy hấp dẫn đã “hút hồn” lũ tiểu quỷ chúng tôi. Thương cô, chúng tôi “thương mến thương” luôn cái tiếng Anh tưởng xa xôi ấy.
Nhìn cô, tự dưng tôi nhớ má. Nhưng má không khắc khổ như vậy, má còn có ba, có tôi, cô chỉ có một mình với mái nhà bé bé dưới bóng tre. Còn nhớ, có buổi chiều tôi tung tăng như bay về nhà chỉ vì được cô xoa đầu âu yếm và hỏi thăm về ba má, ông bà nội. Trẻ con vốn ích kỷ. Tôi vô tư “xí” hết những yêu thương của cô về phần mình.
Khi có dịp ngồi lại bên nhau, chúng tôi lặng người khi không hẹn mà gặp, mỗi đứa đều nhắc đến cô.
Có dịp về quê, khi đã là sinh viên, tôi ghé thăm cô. Vẫn mái nhà tranh hiền lành khép nép, vẫn một dáng cô thêm hao gầy vào ra. Thật lạ, 20 tuổi, tôi vẫn cứ thấy mình như cậu nhỏ ngày nào mừng rơn khi được cô xoa đầu. Nắm lấy bàn tay tôi cứng cáp, cô dặn: “Khi có người yêu, em nhớ đưa bạn ấy ghé thăm cô ngen!”. Tôi gật đầu mà đâu biết lời hứa ấy mãi mãi không thực hiện được.
Một năm sau, tôi biết tin cô bị bệnh ung thư qua một người bạn. Tuổi trẻ vốn lạc quan, tôi đinh ninh rồi cô sẽ qua khỏi. Ép mình giữa những bộn bề lo toan, những lúc hiếm hoi soi lại mình, tôi lại nhớ mái nhà nhỏ, bóng tre hiền lành nơi cô đơn chiếc đi về. Lòng dặn lòng sẽ về thăm cô…
Rồi một ngày, tôi lặng người khi nghe đứa bạn ngẹn ngào bên kia điện thoại: “Cô Tâm mất rồi!”. Mái trường nhỏ, dáng cô hao gầy, bàn tay cô ấm… ào về trong tôi.
Tết. Tôi đưa em men theo con đường đất thơm mùi rơm rạ quê nghèo. Dừng lại trước mái nhà nhỏ vắng bóng cô, kể em nghe lời hứa năm xưa. Nghe lòng mình thao thức…
Có ai đó gọi 20-11 là Tết thầy cô. Mẹ tôi cũng hay nhắc câu “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy” trong những phút giao thừa thiêng liêng. Dường như, tôi chưa kịp nói thành lời với cô rằng tôi kính yêu cô thế nào?
Tự dưng, thèm được cô xoa đầu, thèm được vòng tay: “Thưa cô, con đã lớn”. Yêu thương ơi, có bao giờ là quá muộn để nói nên lời?
PHẠM TRỌNG CHINH (Công ty Unilever VN, TP.HCM)

Giai quyet hau qua lu lut : Sinh vien co mat


Những ngày này ở nhiều tỉnh thành miền Trung, không chờ lũ rút, đã có ngay những chiếc áo xanh tình nguyện của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) xung kích... cật lực hỗ trợ người dân...
Quảng Nam: tình nguyện tại chỗ ngay trong lũ
Ở Hội An, trưa 12-11 trong lúc lũ đang đạt đỉnh, vừa tạnh một đợt mưa, 50 ĐVTN Thị đoàn Hội An tức tốc bám thuyền, leo canô, tròng trành trên những chiếc ghe chèo tay đi vào những vùng bị nước lũ cô lập: Cẩm Kim, Cẩm Nam, Cẩm Phô… Bí thư Thị ủy Hội An Nguyễn Sự trực tiếp ra bến đò trực chiến cùng các ĐVTN: "Nhiều người trong số họ nhà cũng bị ngập lũ, nhưng khi được phổ biến không bạn nào từ nan".
Sáng 17-11, mưa như xối, nước bắt đầu dâng nhưng 80 ĐVTN TP Tam Kỳ lại lên đường chi viện xã Duy Vinh, Duy Phước (huyện Duy Xuyên). Nước bắt đầu lớn, đội ĐVTN xung kích này được điều động quay trở lại Tam Kỳ để tham gia cứu hộ, cứu nạn đợt lũ mới. 40 cán bộ cơ quan tỉnh đoàn lội nước, lội bùn mang từng thùng mì tôm, nước uống đến người dân trên các chuyến xe bị kẹt dọc QL 1A.
Và trong những ngày nghỉ cuối tuần này, hàng ngàn bạn trẻ vẫn dầm mình trong mưa giúp dân dọn dẹp bùn đất, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu dân cư, trường học. Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Thị Thu Lan cho biết ngoài các đội thanh niên xung kích tại địa phương, tỉnh đã mời gọi được 5.000 lượt ĐVTN giúp dân và chắc chắn sắp đến sẽ nhiều hơn. Tỉnh đoàn nơi đây còn tổ chức ĐVTN từng thôn xã giúp dân tại chỗ. Những vùng bị thiệt hại nặng thì tăng cường thêm ĐVTN ở phía bắc, Đoàn khối đến giúp dân.
Sinh viên Huế vào cuộc!
Tại Huế, Tỉnh đoàn Thừa Thiên - Huế và BCH Đoàn Đại học Huế đã mời gọi đoàn viên - sinh viên tình nguyện dọn bùn giúp các trường trên địa bàn TP Huế. Ngay ngày đầu phát động, hơn 1.000 sinh viên của ĐH Huế đã tìm đến sẵn sàng vào cuộc.
Ngày 15-11, bốn nhóm sinh viên tỏa về các trường Tiểu học Phú Lưu, Tiểu học và mầm non Phú Hiệp, THCS Phan Sào Nam (TP Huế).
Tại Trường Tiểu học Phú Lưu - phường Vỹ Dạ, nơi nước lũ ngập sâu hơn 2m, các sinh viên chia thành nhiều nhóm dọn, xúc bùn; vận chuyển; lau dọn bàn ghế, nền nhà, tường vách, dụng cụ dạy học... Thầy Lê Văn Chiến, hiệu trưởng Trường THPT Phan Sào Nam, xúc động: "Chừ yên tâm rồi. SV tình nguyện làm nhanh và nhiệt tình quá”.
Anh Dương An, bí thư Tỉnh đoàn Thừa Thiên - Huế, cho biết: sẽ tiếp tục đưa lực lượng đoàn viên - sinh viên làm nòng cốt kết hợp với lực lượng đoàn địa phương dọn sạch bùn lầy tất cả trường mẫu giáo, tiểu học và THCS ở TP Huế.
Đà Nẵng: băng lũ, lội nước đưa hàng đến bà con
ĐVTN huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) vận chuyển, trao quà bạn đọc báo Tuổi Trẻ đến vùng lũ khi nước chưa rút - Ảnh: Kỳ AnhNgày 13-11, khi nước lũ vẫn còn mênh mông các xã vùng "rốn lũ” huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng), báo Tuổi Trẻ quyết định cứu trợ khẩn cấp. Thành đoàn Đà Nẵng tức tốc huy động hàng trăm lượt ĐVTN bốn xã hỗ trợ vận chuyển, trao hàng lương thực, thực phẩm đến kịp thời, tận tay những người dân. Cả bí thư, phó bí thư cùng với ĐVTN, đội CTXH của báo băng lũ, xắn quần lội nước đưa hàng đến tận nhà bà con.
Ngay sau đó, Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng Ngô Văn Thắng đã quyết định thành lập các đội thanh niên xung kích xã, phường, quận, huyện. Hàng vạn ĐVTN Đà Nẵng được mời gọi đến các xã bị ngập lụt nặng nhất như Hòa Xuân, Hòa Nhơn, Hòa Phong. Hôm nay 18-11, ĐVTN TP Đà Nẵng sẽ đồng loạt ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, giúp dân ổn định cuộc sống sau lũ.
V.Hùng
Bình Định: thanh niên và y, bác sĩ trẻ tình nguyện vào vùng lũ
SV Trường CĐSP Bình Định khắc phục lũ tại phường Nhơn Phú (TP Qui Nhơn) - Ảnh: Thu Hà
Anh Phạm Vĩnh Thái - bí thư Tỉnh đoàn Bình Định - cho biết: Ngay sau khi nước lũ rút, với chủ đề "Chung tay khắc phục hậu quả mưa lũ” ngoài các đội TN tình nguyện, xung kích các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, 12 đội TN và y bác sĩ trẻ tình nguyện đã có mặt tại các điểm then chốt, các vùng trọng điểm của lũ để khám bệnh cấp thuốc miễn phí, tặng quà các gia đình có người bị chết, bị thương, nhà bị sập, tặng quà, làm vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng nguồn nước, khắc phục đường giao thông, các công trình thủy lợi,…
Tổng trị giá của đợt hoạt động cao điểm trên gần 100 triệu đồng. Hiện các hoạt động của tuổi trẻ Bình Định đang tiếp diễn ở nhiều nơi trong tỉnh.
Hà Cát