Thứ Năm, 15 tháng 11, 2007

Doi dau Musharraf - Bhutto: chi la man kich

Chính quyền Pakistan tuyên bố đã bỏ án quản thúc 30 ngày với bà Bhutto sau khi hàng trăm cảnh sát tới bao vây ngăn cản bà ra khỏi nhà đi dự buổi diễu hành hôm 9-11.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Theo Reuters, tình hình có vẻ vẫn tiếp tục căng thẳng khi bà Bhutto tuyên bố Đảng PPP của bà sẽ vẫn tiếp tục với cuộc diễu hành "trường chinh" từ Lahore tới Islamabad vào ngày 13-11 tới dù bà có mặt hay không.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng mọi chuyện đang chỉ là màn kịch được dựng lên rất khéo để cả bà Bhutto và tướng Musharraf đều đắc lợi.
Với bà Bhutto, bà vẫn khẳng định mình là người chống độc tài mạnh mẽ, giống như đã nhiều lần xông pha trong thời kỳ các chính phủ thậm chí còn độc đoán, chuyên quyền hơn tướng Musharraf hiện nay. Ngoài ra, những động thái liên tục phê phán chính phủ của bà cũng xóa đi hình ảnh về việc bà đã có thỏa thuận về chia sẻ quyền lực với tướng Musharraf - điều cho đến nay bà chưa bao giờ chính thức công nhận.
Với tướng Musharraf, cuộc xung đột với Đảng PPP của bà Bhutto trong những ngày qua không quá căng thẳng, không có nhiều đổ máu nhưng cho phép ông có đủ thời gian dựng lại lực lượng chánh án ở tòa thượng thẩm - nơi trước đó vẫn đang nhăm nhe bác bỏ tư cách tham gia ứng cử tổng thống của ông. Trong lúc mọi người chú ý đến những diễn biến đối đầu giữa PPP và chính phủ, chín quan tòa từng từ chối xác nhận tuyên bố tình trạng khẩn cấp của ông đã bị thay thế.
Bản thân bà Bhutto cũng biết rằng người dân nói chung chưa thật sự muốn xuống đường chống lại chính phủ. Có thể thấy các cuộc biểu tình, chống đối trước đó, dù xảy ra nhiều và liên tục, mới chỉ giới hạn ở lực lượng luật sư và những nhà đấu tranh dân chủ. Nhiều người cho rằng bà đã ý thức được điều này và những diễn biến trong ngày "quản thúc" hôm 9-11 đều được cả hai tính toán trước với sự kiểm soát rất chặt tình hình.
Dù bà Bhutto bị giam lỏng, lực lượng trung thành của bà vẫn không có xô xát gây đối đầu trực tiếp. Đến buổi chiều, bà Bhutto vẫn xuất hiện trên truyền hình quốc gia - đang bị chính quyền quân sự kiểm soát - và có bài phát biểu kêu gọi ông Musharraf phục hồi hiến pháp, trút bỏ quân phục.
Có thể nói đến lúc này, cả bà Bhutto và tướng Musharraf vẫn rất cần nhau. Có tướng Musharraf, bà Bhutto mới xóa được vụ điều tra tội tham nhũng nhắm vào bà. Điều này giúp bà về nước an toàn sau tám năm lưu vong. Cả hai thời bà làm thủ tướng, chính phủ nước này đều được xếp hạng hai thế giới về tham nhũng chỉ sau Nigeria. Ngoài ra, kể cả khi bà có giành chiến thắng và trở lại làm thủ tướng sau cuộc bầu cử sắp tới, bà vẫn cần sự ủng hộ của lực lượng quân đội và cảnh sát. Trong suốt tám năm cầm quyền, tướng Musharraf đã gài cắm những người thân tín vào hầu hết các vị trí then chốt của lực lượng này. Một cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai người rõ ràng là không có lợi cho bà.
Với tướng Musharraf, đạt được thỏa thuận với bà Bhutto, lãnh đạo của phe chính trị có sự ủng hộ rộng rãi nhất ở nước này, sẽ chặn được những làn sóng đòi dân chủ ở trong nước. Thỏa thuận đạt được giữa hai bên cũng sẽ khiến cộng đồng quốc tế bớt chọc ngoáy vào tình hình của đất nước.
Sóng gió ở chính trường Pakistan sẽ còn diễn biến phức tạp trong nhiều ngày tới. Mọi chuyện sẽ chỉ dừng lại khi tướng Musharraf cởi bỏ quân phục, tiến hành bầu cử.
THANH TUẤN

Không có nhận xét nào: