Thứ Năm, 15 tháng 11, 2007

The nao la nguoi dan ong lich lam

Chuyên đề Lịch lãm Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần số này đã tìm đến bốn vị khách quý để có câu trả lời, trong đó ba người là nhà thiết kế thời trang và một người làm công tác quản lý ở một công ty lớn.
Ngoài những mẫu số chung như tính độc lập và đặc trưng trong phong cách,còn có những ý kiến cực kỳ thú vị, có ý nghĩa cá nhân đặc biệt với từng vị khách mời, góp phần làm nên một bàn tròn đầy màu sắc xoay quanh chủ đề lịch lãm. Xin mời quý độc giả cùng gặp gỡ nhà thiết kế (NTK) Minh Khoa, NTK Quốc Bình, NTK Kiều Việt Liên và ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng giám đốc Công ty điện tử Samsung Vina.
Lịch lãm là một phong cách cá nhân, độc lập và đặc trưng
Đây là yếu tố được đánh giá cao nhất trong định nghĩa về lịch lãm, không chỉ với những người làm công việc sáng tạo. NTK Minh Khoa, một người kỳ cựu trong làng thiết kế thời trang Việt Nam, đưa ra một định nghĩa rất tổng quát về hai chữ lịch lãm: “Lịch lãm mang nhiều yếu tố, là ăn mặc, ứng xử, là giao thiệp; tất cả đều phải mang một phong cách, một đặc trưng riêng của mỗi người. Là một nhà thiết kế, tôi rất ấn tượng với những sự chăm chút tỉ mỉ cho phong cách, nhưng không phải cứ copy nguyên xi những gì trong tạp chí thời trang hay của một ai đó là được. Một phong thái riêng của chính mình, phù hợp với chính mình và mình thoải mái với nó là điều quan trọng nhất. Khi đã tìm ra được phong cách riêng của chính mình, vấn đề còn lại là thời gian để hoàn thiện phong cách đó. Phong cách đó sẽ thể hiện hiệu quả nhất chính con người của bạn. Phong cách nói nôm na chính là lịch lãm”.
Quốc Bình
Minh Khoa
Cũng như NTK Minh Khoa, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng giám đốc Công ty điện tử Samsung nói ngắn gọn và súc tích: “Lịch lãm là có phong cách riêng, nhưng không phải là không giống ai”.
Khi được hỏi phong cách cá nhân này có thể bị chi phối bởi những yếu tố nào, NTK Minh Khoa cho biết: “Phong cách này lại tiếp tục bị chi phối bởi khuynh hướng, hoàn cảnh, môi trường. Muốn nói đến lịch lãm, phải xét nhiều yếu tố, một người có thể có ngoại hình không đẹp nhưng một khi họ có một căn bản, một nền tảng tốt, công việc, ứng xử, giao tiếp, nét đặc thù tạo sự riêng biệt, thì người ấy được xem là lịch lãm”.
Ông Đạo tiếp lời: “Nếu chỉ nói về phương diện hình thức thì tôi nghĩ lịch lãm không phải là một người đàn ông đẹp, mà là (người đàn ông) biết ăn mặc hợp thời. Có một cái chuẩn khá thú vị cho việc ăn mặc mà những người làm việc kinh doanh như tôi rất thích mang ra dùng, đó là PTO, viết tắt của ba chữ Place (nơi chốn), Time (thời điểm) và Occasion (dịp). Khi ăn mặc nếu xác định được rõ ba yếu tố này thì sẽ không “sai chạy” vào đâu được. Từ đó, những người cá tính hơn có thể thay đổi một chút dựa trên nền tảng này”.
Lịch lãm là sự tế nhị
Nguyễn Văn Đạo
Ông Nguyễn Văn Đạo nói tiếp: “Tuy nhiên, tôi muốn hiểu từ lịch lãm rộng hơn nữa, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực ăn mặc, phong cách. Một người đàn ông lịch lãm là một người từng trải và tế nhị. Từng trải đây không nhất thiết phải là sống lâu, nhưng là sống nhiều cuộc sống, qua trải nghiệm của chính họ, hoặc qua lời kể, phim ảnh, sách báo. Sự từng trải này sẽ dẫn đến định nghĩa thứ hai của lịch lãm, đó là sự tế nhị trong cư xử, vốn bao hàm một trình độ văn hóa nhất định.
Nhiều người lầm tưởng lịch lãm là thượng lưu, biết xài đồ hiệu. Chính cảm nhận cách một người nào đó đối xử với người khác thế nào, có tôn trọng hay không, đặc biệt là với phụ nữ, giúp tôi đánh giá được người đó có lịch lãm hay không. Tôi quan niệm, người lịch lãm là người biết nhìn ra được giá trị của người khác, và dù biết được giá trị cao thấp thế nào, vẫn đối xử tôn trọng, đàng hoàng”.
Khi được hỏi một ví dụ cho cụ thể về sự lịch lãm, ông Đạo kể: “Lúc trước tôi được làm việc chung với một đạo diễn nổi tiếng. Nhóm kỹ thuật của tôi làm việc song song với nhóm của anh. Người đạo diễn này có tiếng nói rất lớn, những đòi hỏi cao, và dĩ nhiên hoàn toàn có thể “nhõng nhẽo”, bắt người khác phải theo ý mình. Thế nhưng ông vẫn luôn hết mình chăm sóc cho quyền lợi của anh em, bất kể lớn nhỏ, hễ ông được hưởng ưu đãi nào đặc biệt là không ít thì nhiều anh em cũng phải có được những ưu đãi đó. Tôi nghĩ ông là một ví dụ sinh động về một người đàn ông lịch lãm trong quan niệm của tôi”.
Ông Đạo còn ví dụ thêm về sự tế nhị: “Chắc mọi người cũng biết câu chuyện này. Ví dụ một cô gái đang tắm, một người đàn ông lỡ bước nhầm vào phòng. Nếu là người bất lịch sự, anh ta sẽ cười chọc và bỏ ra. Nếu là một người lịch sự, anh ta sẽ bước ra ngay và nói: Xin lỗi cô! Nhưng nếu anh ta là một người tế nhị, anh ta bước ra ngay và nói: Xin lỗi ông!”.
Lịch lãm: Không lòe loẹt cầu kỳ nhưng có khả năng gây sức hút lâu dài
Với NTK Quốc Bình, lịch lãm không hẳn là một sự nổi trội, nhưng có khả năng gây sức hút lâu dài. “Nó là một thứ phong thái có thể tạo ra sự cuốn hút và mong muốn khám phá ở người đối diện. Một chút bí ẩn, một chút khó hiểu, mời gọi người ta phải nhìn kỹ hơn, phải suy nghĩ về nó nhiều hơn. Theo tôi lịch lãm đến từ tính cách. Người lịch lãm là người có bản lĩnh và thức thời. Anh ta cầm cương trong mọi trường hợp, làm chủ mọi tình huống xảy ra với mình. Như vậy anh ta phải là người am hiểu, sâu sắc. Thẳng thắn, thông minh là hai đức tính tôi thích nhất ở một người đàn ông. Và tôi nghĩ với hai đức tính này, họ sẽ dễ dàng xây dựng được một phong thái riêng cho chính mình và trở thành người đàn ông lịch lãm”.
NTK Kiều Việt Liên cũng chia sẻ quan điểm: “Lịch lãm có nghĩa là lịch sự, không lòe loẹt, không cầu kỳ, kiểu cách. Đối với tôi, người đàn ông ăn mặc đẹp nhất là khi anh mặc áo vest, có cà vạt. Tôi thích đàn ông có phong cách của một doanh nhân, đĩnh đạc, chỉn chu, gọn ghẽ, đáng tin cậy. Phong cách thời trang của tôi ảnh hưởng đến quan niệm của tôi về lịch lãm, đó là một sự đơn giản, nhu nhã, một sự ân cần, chăm chút đến những điều nhỏ nhặt nhưng có ý nghĩa. Tôi quý sự lãng mạn ở đàn ông nhất. Lãng mạn, nhưng không có nghĩa là đa tình”.
Áo sơ mi trắng và quần tây đen trơn của Guy Laroche. Áo khoác len cardigan của Unavailable-Martial Artists. Mắt kính Vintage Mont Blanc của Stylist
Áo sơ mi hồng, quần xám của Guy Laroche. Dây nịt, túi xách tay kiểu thể thao và giày sneakers, tất cả của Bally - Người mẫu: Marcus Guilhem, Phong cách thời trang: Jonathan Kang
Áo sơ mi màu vani, quần tây đen trơn của Guy Laroche. Dây nịt của Salvatore Ferragamo. Túi xách tay da của Bally - Ảnh: Danny Nguyen
Áo sơ mi cotton xanh sọc nhuyễn của Guy Laroche. Đồng hồ Cartier Santos dây kim loại bạc. Dây nịt da điểm xuyết da lộn của Salvatore Ferragamo
Điểm nhấn của phong cách
Trả lời câu hỏi về điểm thích nhất ở phục sức của đàn ông, mỗi vị khách mời đều có những chia sẻ hết sức thú vị. Với NTK Minh Khoa, đó là một đôi giày đẹp: “Đôi giày chính là thứ thể hiện phong cách rõ ràng nhất. Không quá lời khi người ta thường nói, giày là trang phục của đôi chân. Nhìn một đôi giày có thể đánh giá được công việc, địa vị, quan niệm về phong cách của người đó”.
Ông Nguyễn Văn Đạo cho biết: “Tôi vốn là một kỹ sư điện tử, nên tôi thích những gì có kim loại như điện thoại di động, đồng hồ, dây nịt, hộp quẹt. Tôi nghĩ những thứ đó thể hiện phong cách của đàn ông dễ dàng nhất, vì rõ ràng, trừ điện thoại di động, phụ nữ thường không quan tâm nhiều đến những thứ kim loại này. Đó là địa hạt của đàn ông”.
NTK Việt Liên lại có định nghĩa khác về điểm nhấn của phong cách: “Tôi nghĩ cà vạt thể hiện nam tính nhiều nhất. Tôi cực kỳ thích cà vạt, đặc biệt là cà vạt lụa, hoa văn ca rô hoặc sọc. Với nguyên tắc muôn thuở là tông màu áo nhạt hơn tông màu cà vạt, tôi thích sự đối lập trong cách phối sơ-mi và cà vạt, vì sự đối lập tạo ra một cuộc đối thoại rất sinh động giữa hai thứ này. Có thể phối áo vàng với cà vạt tím, vì đây là hai màu đối lập trong bảng màu, tuy nhiên màu tím cần nhu mì, không phải là tím than hay tím pha mỡ gà là được”.
Chị thích thú cho biết: “Cà vạt có một sức hấp dẫn không biên giới. Tôi cũng là một người thích xài cà vạt đó chứ! Nếu có điều kiện tôi sẽ mang cà vạt thường xuyên như một phần phong cách ăn mặc của mình”.
Là một phụ nữ có tính cách trẻ trung và lãng mạn, đã từng du học ngành thiết kế thời trang ở Úc, Canada và Pháp, Kiều Việt Liên còn hé lộ một bí mật khác về phong cách đàn ông. “Tóc của đàn ông hết sức quan trọng. Đây thường là thước đo phong cách của phụ nữ dành cho đàn ông. Nhìn vào tóc có thể biết ngay anh ta thuộc tuýp người nào. Tóc đàn ông mà xịt keo, chải mousse nhiều quá chỉ thể hiện anh ta là một người đỏm dáng, cầu kỳ. Tôi thích tóc sạch, gọn ghẽ, rẽ sao cũng được, miễn nhìn năng động, lịch sự là được. À, tôi đặc biệt dị ứng với tóc dơ!”, chị cười cho biết.
NTK Quốc Bình khép lại: “Tôi nghĩ phong cách là một tổng hòa của rất rất nhiều yếu tố, không thể cô lập cái nào cả. Người lịch lãm coi như phải “chịu khó” là một con người hoàn hảo đến từng chi tiết”.
PHƯƠNG LIÊN

Không có nhận xét nào: