Thứ Năm, 15 tháng 11, 2007

Tay Tra Doi Va Ret


TT - Hôm qua, hai đội bay của trung đoàn 954 (sư đoàn 372) lại tiếp tục cất cánh chở 2,5 tấn nhu yếu phẩm do bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp gồm gạo, muối iôt, mì tôm, cá hộp và sữa ứng cứu cho gần 20.000 hộ đồng bào Cor ở huyện miền núi Tây Trà (Quảng Ngãi).
>>
Có khả năng thêm một cơn lũ mới!
Một tháng qua Tây Trà bị cô lập vì tuyến đường độc đạo bị cắt đứt. "Hiện còn bảy xã với gần 20.000 hộ dân đang bị chia cắt không có thông tin gì vì hệ thống điện thoại bị mưa lũ làm hư hại. Chỉ có mấy cán bộ xã liều mình cắt núi lội bộ về huyện báo tin dân thiếu đói từ hơn nửa tháng nay chờ huyện cứu trợ gấp" - ông Lê Trường Sơn, phó chủ tịch UBND huyện Tây Trà, nói.
Ở đâu cũng đói!
Qua ô cửa máy bay, cả một vùng núi Tây Trà bị ngập nham nhở. Nhiều mảng đồi xói lở trơ đá gan gà. Mé hạ lưu con sông Hà Riềng đoạn chảy qua xã Trà Phong, những ngôi làng người Kinh từ xuôi lên sinh sống bám bíu lấy nhau sau lũ trông đến xót lòng.
Sau nhiều lượt lượn vòng quanh triền núi tìm bãi đáp, cuối cùng chiếc trực thăng số hiệu 7552 cũng đáp được xuống đất. Hàng nghìn người dân, phần lớn là đồng bào dân tộc Cor, Ca Dong, ăn mặc rách rưới, túm tụm lại với nhau chờ được nhận hàng trông thật đau lòng.
Ông Hồ Văn Bính - dân tộc Cor ở thôn Knố, xã Trà Phong - đứng co ro một mình nhìn những thùng hàng vừa được chuyển từ máy bay xuống, nói giọng buồn thiu: "Hơn mười ngày nay nhà không có gì để ăn cả. Nước làm trôi hết cái ăn của mình ngoài rẫy". Cái đói, rét như hằn lên khuôn mặt hốc hác, tái xám của người đàn ông.
Cả nhà chị hồ Thị Hiếu bên bếp tro lạnh nhiều ngày nay
Lúc tôi tìm đến nhà chị Hồ Thị Hiếu ở thôn Trà Dinh, xã Trà Lãnh, xã duy nhất trong chín xã thông đường được với huyện lỵ Tây Trà, vẫn phải lặng người chứng kiến cảnh năm đứa bé nheo nhóc đang đói khát ôm riết lấy mẹ. Người chồng đã lên rẫy kiếm lượm cái ăn từ sáng sớm vẫn chưa về. Chiều xuống sau đỉnh núi rồi, chị Hiếu vẫn chưa biết kiếm cái gì bỏ vào nồi để nhen lửa bếp.
Chỉ cho tôi xem bao lúa còn sót lại trong góc bếp, chị Hiếu nói đó là bao lúa giống cho mùa vụ sau, nhưng có lẽ vợ chồng chị sẽ phải lấy ra cho con ăn. Chị gạt nước mắt trên gương mặt mệt mỏi xanh xao. Những đứa con thấy mẹ khóc cũng rấm rứt khóc theo.
Ở xã Trà Trung nằm cheo leo trên triền ngọn núi Cà Đam lạnh lẽo, tình trạng cũng bi đát không kém. Hơn 1.800 người dân ở đây đã thiếu ăn từ những trận lũ đầu tiên.
Đến khi lũ lớn đổ về làm tắc con đường đất duy nhất nối với huyện lỵ Tây Trà thì những người dân Trà Trung chỉ còn biết tự cứu lấy nhau. Tuy nhiên, xã toàn người dân tộc Ca Dong và Cor cũng chẳng có một nhà nào dư ăn để chia sẻ mãi. Cuối cùng, cả xã cùng lâm cảnh thiếu ăn như nhau.
Vẫn còn căng thẳng
Nghe tin có hàng cứu trợ từ dưới xuôi lên, hai vợ chồng anh Hồ Văn Vương ở thôn Gò Rô, xã Trà Phong dậy từ sáng sớm lội bộ ra đứng chờ. "Ai cũng đói, cả làng tui thèm cơm, thèm muối.
Trưa nay có gạo nấu cơm thì không phải giã lúa sống nữa rồi". Vợ anh cho biết nhà bị sập từ tháng trước nhưng chưa dựng lại được. Nhưng gạo không có để phát cho vợ chồng anh Vương vì theo ông Trương Ngọc Nhi - phó chủ tịch UNBD tỉnh Quảng Ngãi, số hàng trên trước tiên phải được ưu tiên cho 358 hộ dân của xã Trà Thanh - xã vùng sâu ở cách huyện 25km hiện đang thiếu đói nghiêm trọng vì bị cô lập gần hai tháng qua.
"Với số hàng này, ngay trong chiều nay, 50 thanh niên của huyện đoàn sẽ gùi cõng, vượt núi mang đến cho đồng bào sớm lúc nào hay lúc ấy. Còn bà con ở các xã gần đây, chúng tôi sẽ tìm cách để bà con cầm cự chờ ngày thông đường" - ông Lê Trường Sơn nói như thanh minh.
"Cứ mưa lũ đổ xuống là huyện Tây Trà lại bị đói kém tràn lan!" - ông Lê Trường Sơn nói. Và khi lũ lên, huyện bị cô lập lâu thì gần như tất cả cùng chịu đói.
Ông Sơn kể suốt những ngày bị cô lập trong thiếu thốn lương thực, UBND huyện Tây Trà đã xuất kho dự trữ cuối cùng cứu đói người dân. Và dù một số xã vùng sâu vẫn chưa được cứu trợ nhưng kho dự trữ cũng đã cạn.
Hai chuyến máy bay trực thăng đầu tiên đưa lương thực, mắm muối của bạn đọc báo Tuổi Trẻ cứu trợ Tây Trà làm đồng bào xúc động ứa nước mắt. Mặc dù đường bộ vẫn chưa hoàn toàn thông, nhưng bà con Tây Trà đã thấy được nghĩa tình ấm áp của đồng bào bên ngoài chia sẻ với mình. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì mọi người lại phải nghe cảnh báo những trận mưa lớn có thể sẽ đổ xuống miền Trung. Nếu bão lũ lại xảy ra, Tây Trà không biết có còn đủ sức để chịu đựng nữa hay không?
Đ.NAM - K.EM - Q.VIỆT

Không có nhận xét nào: