Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2007

Thua co con da lon


Sáu năm học tập làm việc tại TP.HCM cũng là sáu lần tôi đón ngày 20-11 trong nỗi nhớ da diết về một người cô kính yêu nơi huyện nghèo của tỉnh Phú Yên.
Ngày ấy, ngôi trường cấp II của tôi hiền lành nép dưới những tán cây xanh rì và thơm hương ruộng đồng bát ngát. Huyện nghèo. Chỉ giàu hạt lúa và những đôi bàn tay cần cù. Sáng, con nít ôm cặp đi học chữ, chiều về học… chăn trâu, cắt lúa, nấu cháo heo… phụ ba má. Thằng bé tôi cũng không nằm ngoài “vùng phủ sóng” ấy.
Con nít huyện nghèo, học cưỡi trâu, tắm sông nhanh hơn học… tiếng Anh. Cũng vì vậy mà ngày đầu tiên cô vào lớp (cô là giáo viên Anh Văn), mấy chục “thiên thần nhỏ” do tôi làm thủ lĩnh (tôi là lớp trưởng) chuẩn bị ngay bộ mặt căng thẳng. Tôi nghịch ngợm nghĩ cái dáng cao gầy rất hợp với cái tên dài… bằng bờ ruộng của cô: Phạm Nữ Ngọc Tâm.
Ấy vậy mà thiệt tự nhiên, dáng vóc hao gầy ấy, giọng nói ấm nóng rặt miền Trung và cách dạy hấp dẫn đã “hút hồn” lũ tiểu quỷ chúng tôi. Thương cô, chúng tôi “thương mến thương” luôn cái tiếng Anh tưởng xa xôi ấy.
Nhìn cô, tự dưng tôi nhớ má. Nhưng má không khắc khổ như vậy, má còn có ba, có tôi, cô chỉ có một mình với mái nhà bé bé dưới bóng tre. Còn nhớ, có buổi chiều tôi tung tăng như bay về nhà chỉ vì được cô xoa đầu âu yếm và hỏi thăm về ba má, ông bà nội. Trẻ con vốn ích kỷ. Tôi vô tư “xí” hết những yêu thương của cô về phần mình.
Khi có dịp ngồi lại bên nhau, chúng tôi lặng người khi không hẹn mà gặp, mỗi đứa đều nhắc đến cô.
Có dịp về quê, khi đã là sinh viên, tôi ghé thăm cô. Vẫn mái nhà tranh hiền lành khép nép, vẫn một dáng cô thêm hao gầy vào ra. Thật lạ, 20 tuổi, tôi vẫn cứ thấy mình như cậu nhỏ ngày nào mừng rơn khi được cô xoa đầu. Nắm lấy bàn tay tôi cứng cáp, cô dặn: “Khi có người yêu, em nhớ đưa bạn ấy ghé thăm cô ngen!”. Tôi gật đầu mà đâu biết lời hứa ấy mãi mãi không thực hiện được.
Một năm sau, tôi biết tin cô bị bệnh ung thư qua một người bạn. Tuổi trẻ vốn lạc quan, tôi đinh ninh rồi cô sẽ qua khỏi. Ép mình giữa những bộn bề lo toan, những lúc hiếm hoi soi lại mình, tôi lại nhớ mái nhà nhỏ, bóng tre hiền lành nơi cô đơn chiếc đi về. Lòng dặn lòng sẽ về thăm cô…
Rồi một ngày, tôi lặng người khi nghe đứa bạn ngẹn ngào bên kia điện thoại: “Cô Tâm mất rồi!”. Mái trường nhỏ, dáng cô hao gầy, bàn tay cô ấm… ào về trong tôi.
Tết. Tôi đưa em men theo con đường đất thơm mùi rơm rạ quê nghèo. Dừng lại trước mái nhà nhỏ vắng bóng cô, kể em nghe lời hứa năm xưa. Nghe lòng mình thao thức…
Có ai đó gọi 20-11 là Tết thầy cô. Mẹ tôi cũng hay nhắc câu “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy” trong những phút giao thừa thiêng liêng. Dường như, tôi chưa kịp nói thành lời với cô rằng tôi kính yêu cô thế nào?
Tự dưng, thèm được cô xoa đầu, thèm được vòng tay: “Thưa cô, con đã lớn”. Yêu thương ơi, có bao giờ là quá muộn để nói nên lời?
PHẠM TRỌNG CHINH (Công ty Unilever VN, TP.HCM)

Không có nhận xét nào: