Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2007

Toi Van Buoc Toi...

TT - Tôi sinh ra trong gia đình khá giả ở Sài Gòn. Đứa con gái đầu lòng, không phải là sự mong đợi của cha mẹ tôi vì chưa có người nối dõi tông đường. Tiếp theo, trận sốt bại liệt làm chân tôi khập khiễng.
Nghe đọc nội dung toàn bài:
Cha mẹ cho đó là quả báo luân hồi, mặc cảm với mọi người nên đưa tôi về Đà Lạt sống với bà ngoại. Từ bé tôi đã thiếu một mái nhà đúng nghĩa, thiếu bàn tay chăm sóc vuốt ve của mẹ.
Những chuỗi ngày ấm áp bên ngoại không bao giờ xóa nhòa trong tâm khảm của tôi. Nhưng những tháng ngày đó cũng ngắn. Tôi lên mười ba tuổi thì ngoại qua đời. Bao dông bão bất ngờ ập xuống mái đầu xanh mà lẽ ra ở độ tuổi ấy tôi phải được tiếp tục cùng bạn bè cắp sách đến trường, được sống trong vòng tay thân thương của gia đình.
Về lại với ba mẹ ở Sài Gòn, tôi như đứa trẻ sống bên lề xã hội, nép mình khao khát nhìn các em tận hưởng hạnh phúc. Trong ngôi nhà thân yêu của mình, tôi dường như bị tách dần ra thế giới riêng biệt. Bốn đứa em tôi như những cô chiêu cậu ấm. Còn tôi không được đi học, không được lên nhà trên. Bất chợt ai đó nhìn thấy tôi và hỏi thì mẹ bảo rằng đó là đứa ở. Chính vì thế các em càng xa lánh, không coi tôi là chị. Mỗi khi tôi năn nỉ xin đi học thì bị một trận mắng nhiếc xối xả. Mẹ bảo: “Đồ què mà đi học làm gì”. Và Què là tên gọi ở nhà của tôi.
Mãi khi có người bà con thuyết phục thì tôi mới được đến trường.Để dành những đồng tiền ít ỏi của ba cho ăn sáng, tôi mua tập bút.Phát hiện điều này, ba “cắt” luôn không cho tiền. Tôi phải nhặt những mảnh giấy viết dở dang của các em kết lại thành tập... Rồi ba tôi đột ngột lâm bệnh qua đời vì làm ăn thua lỗ. Gánh nặng gia đình lại đè trên đôi vai nhỏ bé của tôi. Mẹ cho rằng sự tồn tại của tôi là mầm mống gây hết tai họa này đến tai họa khác.
Tôi trở thành “con ở đợ” chính thức thay cho người giúp việc. Mỗi tối phải thức thêu khăn tay, bán kiếm tiền đưa cho mẹ. Nhiều hôm vào lớp tôi ngủ gà ngủ gật. Qua bao nghiệt ngã, con Què được tốt nghiệp cấp III. Vui sướng tột cùng, khoe với mẹ. Cái bĩu môi khiến tôi đau xé lòng...
Ước mơ của tôi là trở thành họa sĩ để vẽ cho đời những bức tranh tuyệt mỹ. Nhưng giờ đây gia đình đang sa sút. Tôi lén mẹ đi thi vào đợt tuyển sinh mỗi năm. Mãi lần thứ ba, tôi mới trúng tuyển vào Trường đại học Mỹ thuật hệ chính qui, bởi không được luyện thi hay học hỏi kinh nghiệm vẽ. Tôi muốn hét to cho toàn thế giới biết rằng con Què đã đậu đại học.
Nhưng niềm vui vụt tắt ngay vì mẹ kiên quyết không cho học. Vật lộn với nỗi đau thân xác lẫn nỗi đau tinh thần, tôi muốn chết đi vì sự tồn tại trên cõi đời này là thừa. Không gì quật nổi ý chí, tôi muốn chứng minh là què về thể xác nhưng không què tâm hồn và học vấn. Tôi cam kết làm tất cả việc nhà, sẽ kiếm tiền phụ mẹ.
Với vốn kiến thức tiếng Pháp học ở trường dòng Đà Lạt, tôi tìm được nơi dạy kèm. Năm 1 trôi qua nặng nề. Năm 2 tôi được thầy giúp cho chép tranh và làm phiên dịch thời vụ cho cô giáo người Pháp. Được bao nhiêu tiền, tôi đưa hết cho mẹ nên cũng đỡ bị chì chiết. Sự thương yêu, đùm bọc của thầy cô như ngọn lửa hồng xua tan băng giá, khơi dậy trong tôi hi vọng và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống mai sau.
Tôi bớt mặc cảm, tăng thêm nghị lực để hòa nhập cộng đồng. Cuối năm 4 mẹ tôi lâm trọng bệnh. Mình tôi túc trực trong bệnh viện mấy tháng. Trước lúc lâm chung mẹ vẫn không thay đổi định kiến, không xem tôi là con của bà. Song tôi vẫn tự hào là được báo hiếu phần nào công nuôi dưỡng: không một lời oán trách bởi dù sao mẹ là người tạo cho tôi nên vóc nên hình.
Tốt nghiệp đại học, tìm được việc làm đối với người khiếm khuyết như tôi không phải dễ.Ngày đi làm, ba buổi tối đi dạy kèm, đêm miệt mài chép tranh.Dành hai buổi cuối tuần tôi dạy vẽ cho các em khuyết tật của một trường ngoại thành. Bởi có bệnh tật mới thấy sức khỏe là quí nhất, có tật nguyền mới thông cảm và chia sẻ sự thiệt thòi của các em.
Sau biến cố gia đình, các em tôi mới thấy bơ vơ, hụt hẫng nhưng vẫn tiêu xài hoang phí. Tiền bạc, những món đồ đắt giá lẫn rẻ tiền lần lượt... ra đi. Tôi trở thành chiếc phao. Vừa đi làm kiếm tiền vừa làm tất cả việc nhà. Thế mà các em tôi không hề biết ơn hay cảm kích. Bởi cần hơi ấm người thân nên tôi cố cắn răng chịu đựng, hòng tạo cho các em cơ hội suy nghĩ lại. Nhưng các em cho rằng đó là bổn phận của tôi...
Cuộc sống sẽ chẳng bao giờ dừng lại, chông gai không là vật cản vĩnh viễn. Mấy mươi năm trôi qua, cái tên Què biến mất tự bao giờ tôi không hay không biết. Giờ đây, tôi đã có công việc với thu nhập ổn định: thiết kế đồ họa.Điều quan trọng là hình ảnh của tôi đã len lỏi vào lòng các em.
Sự độ lượng, lòng vị tha giúp các em nhận ra quan hệ huyết thống ruột rà. Tôi đã thành công trên con đường đời nhờ vào nỗ lực của chính bản thân, đã vượt lên chính mình để tồn tại, hòa nhập cộng đồng, không phải là phế nhân của xã hội.
TRÀNG THI (Q.7, TP.HCM)

Không có nhận xét nào: