Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2007

Chi so nang luc cacnh tranh cap tinh : danh nghiep keu than viet boi tron


Ngày 8-11 tại Hà Nội, Phòng thương mại - công nghiệp VN và Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh VN đã công bố chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI (đánh giá chất lượng điều hành thúc đẩy kinh tế tư nhân).
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Vẫn là 10 chỉ số thành phần, so với năm 2006, hai chỉ số thay đổi mạnh, ba chỉ số có chuyển biến. Còn lại là thay đổi không đáng kể, giữ nguyên và đổi ngược chiều.
Cải thiện nhưng chưa đủ
Trong bảng tổng sắp của 64 tỉnh thành, so với năm trước, các tốp dẫn đầu và “đội sổ” không có biến động lớn. Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Bình Định, Lào Cai, An Giang và Vĩnh Phúc tiếp tục ở hạng rất tốt (có các hạng: rất tốt, tốt, khá, trung bình, tương đối thấp và thấp). Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu và Đắc Nông ở hạng cuối cùng.
Những điểm sáng nổi bật là tỉnh xếp ở vị trí giữa đã tăng 3,2 điểm, từ 52,4 lên 55,6 (thang điểm 100). Có tới 8/10 chỉ số tiến bộ. Đặc biệt là hai chỉ số chi phí gia nhập thị trường và chi phí thời gian để thực hiện các qui định của nhà nước đã có những bước tiến bộ lớn, đạt 7,87 và 6,21/10 điểm.
Hầu hết các địa phương đều đã thể hiện sự nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Ngay ở vị trí cuối cùng là tỉnh Đắc Nông năm nay cũng có tổng điểm cao hơn tỉnh ở vị trí cuối cùng của năm ngoái là Lai Châu với 1,89 điểm.
Hà Nội dù bị đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng nhưng cũng đã vượt từ vị trí 40 năm ngoái lên vị trí 27 và vào tốp khá của năm nay. Màu tươi sáng chủ đạo của báo cáo PCI năm nay là sự bứt phá của Hà Tây từ “đội sổ” năm 2005, ở hạng thấp năm 2006 nhưng năm nay đã lên thứ 41, ở hạng trung bình.
10% doanh thu cho “chi phí không chính thức”
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu PCI và các chuyên gia đều cho rằng môi trường kinh doanh của các địa phương nói chung vẫn còn nhiều tồn tại. Có hai chỉ số bị tụt điểm là đào tạo lao động và chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Ba chỉ số không thay đổi là chi phí không chính thức, tính năng động và ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước.
Bình luận về chỉ số đào tạo lao động, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói: điểm số thấp nhất của chỉ số này ở năm 2006 là 1,99 với Lai Châu thì năm nay cũng vẫn là Lai Châu “sở hữu” nó nhưng lại tụt xuống 1,92. Địa phương có chỉ số đào tạo lao động cao nhất của năm ngoái là Đà Nẵng thì năm nay cũng vẫn là Đà Nẵng, nhưng tiếc là đã tụt từ 9,6 điểm xuống 8,34.
Báo cáo PCI lưu ý hai tình trạng rất đáng ngại là: chi phí không chính thức khá phổ biến và tình trạng ngại “sử dụng” tòa án. Có 68,25% doanh nghiệp (DN) trả lời rằng họ phải mất tiền “bôi trơn” một cách thường xuyên (năm ngoái chỉ số này là 70%). Vẫn còn tới 11,54% DN phải tốn hơn 10% doanh thu cho các khoản chi này. Các DN được hỏi khi vướng tranh chấp thì sử dụng cách giải quyết nào, có đến 88,2% không “dám” nhờ tòa án.
Phân tích tiếp về những tồn tại của một số địa phương cụ thể, ông Doanh nói: Hà Nội tuy có cải thiện về vị trí chung nhưng lại “đội sổ” về hai chỉ số là tiếp cận và sử dụng đất với 4,32 điểm, chi phí không chính thức với 5,36 điểm.
Những cố gắng ngoài khả năng
Nhiều chuyên gia cho rằng các địa phương đã có nhiều nỗ lực tự cải thiện. Nhiều chỉ số chưa tiến bộ được hoặc thụt lùi là do nằm ngoài khả năng của chính quyền cấp tỉnh. Theo nhà nghiên cứu Phạm Chi Lan, chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất chuyển biến chậm vì dẫu địa phương có muốn nhiều thay đổi cũng khó.
Phía Nam “thoáng” hơn
Trong 17 tỉnh thành ở tốp rất tốt và tốt của bảng xếp hạng PCI thì có 15 địa phương ở phía Nam, chỉ có hai ở phía Bắc.
Nhìn chung các tỉnh, thành miền Nam có điểm số cao hơn miền Bắc là 4,5 điểm. Miền Nam có tới tám chỉ số thành phần hơn miền Bắc. Câu chuyện “sổ đỏ”, “sổ hồng” và hàng loạt chính sách vĩ mô về đất đai chưa hoàn thiện, thiếu thống nhất. DN phải lựa chọn cách thức “bôi trơn” nhiều hơn là dựa vào tòa án cũng dễ hiểu khi hiệu quả, hiệu lực của hệ thống tòa án tại các địa phương chưa là chỗ dựa cho DN.
Theo ông Nguyễn Đình Cung - trưởng Ban kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương), chỉ số tiến bộ nhất là chi phí gia nhập thị trường do cấp trung ương đã nỗ lực rất lớn. Luật DN 2005 đã xóa bỏ rất nhiều trở ngại cho DN gia nhập thị trường. Chỉ số thứ hai có tiến bộ là chi phí thời gian.
Ông Cung cho rằng kết quả này là do tự nhiên chứ chưa chắc bởi sự cải thiện của bộ máy hay chính sách. Hai chỉ số chưa chuyển biến nhiều là ưu đãi DN nhà nước và chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân thực tế tương hỗ lẫn nhau.
Chỉ số đào tạo lao động bị tụt lùi, ông Cung cho rằng vì các chính sách chủ yếu thiên về kiểm soát, quản lý chứ chưa thật sự tạo điều kiện cho công tác đào tạo dạy nghề. Ông kết luận: Để cải thiện môi trường kinh doanh có hai đòi hỏi. Về tính dài hạn, bền vững thì cần nhất là chất lượng môi trường pháp lý cấp trung ương. Về tính tức thì, ngắn hạn là sự năng động, sáng tạo của địa phương.

QUANG THIỆN

Không có nhận xét nào: